Làm sao để giảm thiểu mâu thuẫn thế hệ
Đời sống 18/05/2020 09:20
Trong mắt người trẻ, người già thường nói nhiều, hay kể về quá khứ. Người trẻ suy diễn rằng họ bị “lẫn”, bị lẩm cẩm… Tuy nhiên, theo các chuyên gia, còn một nguyên nhân căn bản hơn của hiện tượng này là họ thấy mình không được chú ý, không được người khác hiểu và bị gạt ra khỏi dòng chảy phát triển xã hội, thậm chí lạc lõng cả trong gia đình.
Các cô cậu học sinh, sinh viên có thể ngạc nhiên khi thấy NCT phải bỏ ra hàng giờ đồng hồ cặm cụi viết thư, hay văn bản thay vì chỉ cần ngồi trước máy tính gõ vài phút là xong. Ngược lại, các ông bà lớn tuổi cũng không hình dung được lí do tại sao bọn trẻ suốt ngày cắm mặt vào cái điện thoại, hay có thể đọc, hiểu và nhắn tin cho nhau bằng những kí tự lạ lẫm.
Tất nhiên, thời đại nào cũng có vấn đề về suy nghĩ và cách sống giữa già và trẻ. Tuy nhiên, hiện nay, khoảng cách của sự khác biệt ngày càng lớn hơn bởi ngoài những nguyên nhân “tự nhiên” về lứa tuổi, tâm sinh lí còn có nguyên nhân từ tác động của phát triển công nghệ. Công nghệ khiến mọi thứ diễn ra và thay đổi rất nhanh, mà NCT không thể đủ kiến thức, sự nhanh nhạy để tiếp cận và thích ứng với lối sống này.
Thêm nữa, cơ cấu của gia đình trẻ cũng đang thay đổi. Hình thức gia đình tam, tứ đại đồng đường không còn nhiều, thay vào đó là gia đình hạt nhân. Số con trong các gia đình cũng đang giảm mạnh so với các thế hệ trước. Sự thu hẹp quy mô và cấu trúc gia đình ảnh hưởng đến mọi thành phần. NCT không còn vai trò “nền tảng”, “định hướng” của gia đình như truyền thống nữa.
Bên cạnh đó, lối sống hiện đại và tự do cá nhân đang chi phối sự gắn kết giữa người trẻ và người già. Nhịp sống “công nghiệp hoá” khiến người trẻ dành chủ yếu thời gian và sức lực cho công việc và những hoạt động ngoài xã hội cùng rất nhiều thứ khác chi phối tâm trí, khiến họ thường trở về nhà trong tâm trạng mỏi mệt và căng thẳng. Vì vậy, rất nhiều người không còn khả năng quan tâm và có cách cư xử nhẹ nhàng với những người thân, nhất là với NCT - thường gây ức chế vì tư duy và nếp sống cũ.
Những quan niệm mới về nuôi dạy con cái và lối sống cũng khiến cho khoảng cách giữa thế hệ gia đình trẻ và NCT ngày một xa cách hơn. Nếu như trước kia, việc nuôi dạy một đứa trẻ là công việc chung dành cho mọi thành viên gia đình, trong đó, đóng góp của ông bà được xem đặc biệt, thì nay, nhiều ông bà không còn được trao cơ hội này nữa. Thậm chí, có người còn bị hạn chế tiếp xúc, chăm sóc cháu vì quan điểm giáo dục của người trẻ rất khác với ông bà. Điều này càng trở nên nghiêm trọng trong nhiều gia đình khi ông bà sống ở các miền quê còn con cháu sống ở thành thị.
Nói thế không phải để lên án người trẻ và các gia đình trẻ, bởi những thay đổi đó diễn ra theo chuyển động chung của cả xã hội, của thời đại. Có những thay đổi dường như là tất yếu, ngoài ý muốn chủ quan của cá nhân. Hơn nữa, không hẳn tất cả những thay đổi đó đều mang tính tiêu cực. Vì vậy, NCT không thể đòi hỏi người trẻ đáp ứng mọi mong muốn chủ quan của mình. Tuy nhiên, phía người trẻ cần ý thức về những khác biệt và thay đổi để có cách ứng xử hài hòa các giá trị, để những người lớn tuổi - những người luôn xứng đáng được nhận sự tôn trọng và quan tâm của xã hội - không bị gạt bên lề.
Theo lẽ thường, tiếp xúc với con cháu, người thân là nhu cầu tình cảm tự nhiên của con người. Với NCT nhìn thấy con cháu chính là nhìn thấy sự nối dài của mình, là “di sản để dành”. Niềm hạnh phúc hàng đầu của NCT là được chứng kiến sự trưởng thành và phát triển của con cháu. Chính vì lẽ đó, người trẻ hãy để cho các bậc ông bà, cha mẹ có nhiều cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc và chăm sóc mình. Đó là niềm an ủi lớn lao của họ, trong giai đoạn họ luôn cảm thấy cô đơn và dễ tổn thương về tâm lí.
Hơn nữa, nên để NCT có cơ hội làm việc, nếu sức khoẻ còn cho phép. Vì vậy, người trẻ cần cố gắng tạo những không gian và cơ hội nhất định cho NCT được làm việc tùy vào sức khoẻ để có niềm vui.