Lãi suất tiền gửi sẽ ít giảm
Đầu tư - Tài chính 04/05/2020 07:06
Tăng trưởng tín dụng sẽ thấp hơn dự kiến
Thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng đang bớt dồi dào, sự sụt giảm thu nhập của doanh nghiệp và cá nhân do dịch bệnh khiến huy động tiền gửi kém thuận lợi. Nguồn tiền đầu vào của các ngân hàng đang có sự hụt hẫng nhất định. Trong khi đó, tiền cho vay ra thị trường phần nào bị chững lại do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế suy giảm và sự thận trọng của các ngân hàng thương mại.
Theo bản tin thị trường tiền tệ tuần từ 20/4/2020 - 24/4/2020 vừa được Công ty Chứng khoán SSI công bố, tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ thực hiện 1 giao dịch mới có giá trị 1,05 tỷ đồng, trong khi có một lượng lớn OMO và tín phiếu đến hạn. Tính chung lại, NHNN đã bơm ròng 10.345 tỷ đồng thông qua thị trường mở. Số dư OMO giảm về gần 0, số dư tín phiếu là 132 nghìn tỷ đồng.
Thanh khoản bớt dồi dào khiến lãi suất trên liên ngân hàng tăng lên trong tuần qua, chốt tuần ở mức 2,19%/năm (tương đương 0,42 điểm%) với kỳ hạn qua đêm và 2,46%/năm (tăng 0,44 điểm%) với kỳ hạn tuần.
Các lô tín phiếu phát hành trong 2 tháng đầu năm đang bắt đầu đáo hạn đồng nghĩa với một lượng tiền lớn sẽ được bơm ra, lãi suất trên liên ngân hàng sẽ giảm xuống trong thời gian tới.
Về lãi suất trên thị trường dân cư và tổ chức kinh tế, theo NHNN, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã hạ lãi suất từ 0,5% - 2,5%/năm cho 948.400 tỷ đồng dư nợ hiện hữu và 511.200 tỷ đồng nợ mới.
Dù lãi suất cho vay giảm mạnh nhưng tín dụng nửa đầu tháng 4/2020 chỉ tăng 0,8% so với cuối năm 2019 trong khi đến cuối tháng 3 đã tăng 1,3%, tức là dư nợ tại giữa tháng 4 thấp hơn tại cuối tháng 3 khoảng 41.000 tỷ đồng.
Các chuyên gia SSI nhận định, thời điểm hiện tại, lãi suất không còn là yếu tố chi phối, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế suy giảm và sự thận trọng của các NHTM khiến cho tăng trưởng tín dụng cả năm 2020 có thể thấp hơn dự kiến.
Để cân đối với lãi suất cho vay giảm, các NHTM cũng phải điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Tuy nhiên, theo SSI, sự sụt giảm thu nhập của doanh nghiệp và cá nhân do dịch bệnh cũng khiến huy động tiền gửi kém thuận lợi. Lãi suất tiền gửi vì thế khó có thể giảm tương ứng với lãi suất cho vay.
Hiện tại, lãi suất tiền gửi đang ở mức 4,1 - 4,75%/năm với các kỳ hạn 1 đến dưới 6 tháng, 5,1 - 7%/năm các kỳ hạn 6 đên dưới 12 tháng, 6,2 - 7,4%/năm ở các kỳ hạn 12 - 13 tháng.
Nhìn chung, thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng đang bớt dồi dào, cộng thêm với sự sụt giảm thu nhập của doanh nghiệp và cá nhân do dịch bệnh khiến huy động tiền gửi kém thuận lợi, cho thấy nguồn tiền đầu vào của các ngân hàng đang có sự hụt hẫng nhất định. Trong khi đó, tiền cho vay ra thị trường phần nào bị "thắt lại" do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế suy giảm và sự thận trọng của các ngân hàng thương mại.
Ảnh minh họa |
Tổ chức kinh tế lấy tiền về
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng phương tiện thanh toán và tiền gửi của khách hàng đến cuối tháng 2 ở mức 10,67 triệu tỷ đồng, tăng 0,94% so với cuối năm 2019. Trong đó, tiền gửi của dân cư tăng hơn 3,9%, ở mức hơn 5 triệu tỷ đồng.
Tiền gửi của các tổ chức kinh tế ở mức 3,77 triệu tỷ đồng, giảm hơn 4,8%, tương đương giảm hơn 190.000 tỷ đồng. Mức giảm này lớn hơn so với con số 2,87% của cùng kỳ năm 2019. Dựa theo số liệu từ NHNN có thể thấy ác doanh nghiệp có xu hướng giảm tiền gửi vào đầu năm tháng 1 đến tháng 4 và gửi mạnh trở lại từ tháng 5.
Theo nhóm phân tích SSI, tiền gửi của các tổ chức kinh tế luôn sụt giảm trong tháng 2 hàng năm do nhu cầu thanh toán và chi dùng dịp tết Nguyên Đán và thường được bù đắp bởi mức tăng trưởng tiền gửi cao hơn từ dân cư.
Trong năm trước, lượng tăng thêm của tiền gửi từ dân cư tại cuối tháng 2 cao hơn lượng sụt giảm tiền gửi các tổ chức kinh tế khoảng hơn 80.000 tỷ đồng. Nhưng năm nay, lượng tăng thêm của tiền gửi dân cư thấp hơn mức giảm tiền gửi tổ chức kinh tế khoảng 3.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy hoạt động kinh tế suy giảm do dịch Covid-19 không chỉ làm giảm đầu ra tín dụng mà cả đầu vào tiền gửi cũng bị tác động tiêu cực.
Tại nhiều ngân hàng, tăng trưởng tiền gửi 3 tháng đầu năm thấp hơn cho vay. Đây có thể là nguyên nhân cho động thái giảm khoản tiền gửi tại và cho vay các TCTD khác của các ngân hàng, nhằm đảm bảo thanh khoản do tác động của dịch Covid-19 đến dòng tiền.
Ngân hàng tăng rút tiền về
Báo cáo tài chính quý I/2020 cho thấy, giá trị khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tiền gửi tại và cho vay các tổ chức tín dụng (TCTD) khác trong phần tài sản của nhiều ngân hàng đã giảm đi khoảng 1/3 so với hồi đầu năm.
Chẳng hạn Vietcombank, ngân hàng có tổng giá trị tiền gửi và cho vay tại NHNN và TCTD khác lớn nhất cũng báo giảm một nửa xuống 193.135 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi và cho vay tại các TCTD khác giảm 30% và tiền gửi tại NHNN giảm 50% xuống 16.595 tỷ đồng.
Hay như, VPBank giảm gần 50% ở khoản trên, xuống mức 14.763 tỷ đồng, chủ yếu do giảm tại giá trị tiền gửi và cho vay tại các TCTD khác gần 30%, tương đương hơn 6.700 tỷ đồng.
NamABank, LienVietPostBank báo giảm ở tiền gửi tại NHNN lần lượt 46% và 58%. VietBank, Kienlongbank và ACB báo giảm 29-36%.
Nhận định về thanh khoản và nguồn tiền của các ngân hàng, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) đề cập đến động thái của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra mức cấp tín dụng thấp trong bối cảnh nhu cầu tín dụng suy giảm. Cơ quan này cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng và TCTD khoảng 10,1% trong năm 2020, thấp hơn nhiều so với mức 13% đầu năm đặt ra do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Mặt khác, các ngân hàng đang công bố nhiều gói tín dụng với lãi suất ưu đãi với quy mô, chục nghìn, trăm nghìn tỷ đồng. Để sẵn sàng đáp ứng nguồn vốn giải ngân, mỗi nhà băng sẽ cần chuẩn bị tốt thanh khoản và nguồn tiền cho thị trường.