Ký ức Tết xưa miệt sông Hậu
Nhịp sống văn hóa 02/02/2024 07:40
Bánh Tét không thế thiếu trong ngày Tết |
Quê tôi một vùng quê nghèo miệt Hậu Giang. Tuy tiền bạc không có nhiều nhưng quê tôi có nhiều lúa gạo và lắm tôm cá. Bước vào tháng Chạp (tháng 12 âm lịch) quê tôi vui lắm! Mới 3-4 giờ sáng mà cả xóm thức dậy gọi nhau í ới để chuẩn bị quết bánh phồng, tráng bánh. Ngày đó, tình nghĩa xóm làng thân thương lắm. Nhà nào quết bánh phồng thì cả xóm cùng nhau tiếp giúp, người thì quết bánh, người bắt bánh, người cán bánh, người thì phơi bánh…, vừa làm vừa kể chuyện tiếu lâm rất vui. Còn những ngày cận Tết, cả xóm thi nhau tát mương, tát đìa bắt cá, bắt tôm để dành ăn Tết. Xứ tôi nổi tiếng cá tôm nên gần như nhà nào cũng có cá lóc ký và tôm càng xanh để ăn ngày Tết. Ngày đó, quê tôi làm lúa mùa (mỗi năm một vụ) nên nhà nào cũng có dự trữ rơm chất thành đóng để làm chất đốt. Tết đến, có rơm nướng cá lóc mà dân miền Tây gọi là lóc nướng trui thì ăn quên thôi. Ngày đó, bọn “trẻ trâu” chúng tôi thường được phân công nướng cá. Chúng tôi chặt những nhành tre nhỏ bằng ngón tay, đâm vào miệng cá rồi lựa chỗ đất trống cắm con cá xuống chất rơm lên đốt. Rơm cháy hết, cào lửa ra, vẫy cá lóc chín vàng trông thật hấp dẫn nhưng quyến rủ hơn là mùi thơm cá lóc nướng trui. Món ăn cá lóc nướng trui quê tôi đều là “cây nhà lá vườn”, cá thì bắt dưới mương đìa lên, còn bánh tráng cuộn thì đã tráng sẵn, các loại rau thơm, húng nhũi, quế đất, sà lách… trồng sẵn ngoài vườn. Cá lóc nướng trui cuộn bánh tráng với hương rau đồng nội chấm nước mắm me hay mắm nêm ăn thật đã đời. Còn tôm càng xanh, càng lửa cũng nhiều vô số. Dở chà, đặt lờ, đặt lợp, tát mương… đều bắt được. Để chuẩn bị Tết, bắt được tôm cho vào gọng treo dưới bến sông trước nhà. Có khách đến là kéo gọng lên bắt vài con tôm lên nướng hoặc kho tàu là ăn thật ngon. Ngày đó, đều là tôm thiên nhiên ngon lắm chứ không phải tôm nuôi như bây giờ.
Miệt Hậu Giang trồng mai nhiều lắm! Gia đình nào cũng có trồng mai với niềm tin vọng là năm mới mai nở vàng đón mai mắn. Từ lâu, hoa mai là thông điệp của mùa xuân phương Nam. Khi mai nở là Tết đến. Để có được mai vàng nở rộ đón Tết, bọn trẻ con chúng tôi thường được phân công nhặt lá để mai đâm chồi nở hoa. Thường là đến 15 tháng Chạp (âm lịch) hoa mai đã lú nụ nhỏ, là đến thời điểm nhặt lá mai. Phải xem nụ nhỏ hay lớn, nếu nụ nhỏ phải nhặt lá sớm hơn (mùng 10 tháng Chạp), nụ to thì nhặt chậm hơn (18-20 tháng chạp) để hoa mai nở đúng dịp Tết.
Tết năm nào cũng vậy, ba tôi cùng vài người hàng xóm hùn nhau mua heo rồi làm chia ra để ăn Tết. Ngày đó, miệt Hậu Giang chỉ làm lúa mùa, mỗi năm chỉ một vụ lúa, lúa chín sau Tết nên đa số không có lúa để bán lấy tiền mua sắm Tết. Nhưng để xóm giềng có được Tết vui vẻ, bà con chòm xóm rủ nhau làm heo chia thịt đổi lúa. Năm nào lúa được giá thì mỗi kg thịt heo đổi 1 giạ lúa (20kg), năm nào heo không được giá đổi 1,2 kg thịt 1 giạ lúa. Ai chia bao nhiêu thì ghi vào sổ, đến qua Tết thu hoạch lúa đem trả lại cho chủ heo. Làm heo chia lúa cũng làm không khí Tết nhộn nhịp thêm.
Ngày đó, quê tôi ăn Tết đơn sơ nhưng ấm cúng. Gần nhà nào cũng giống nhau, heo chia lúa đem về lấy xương thì hầm với đu đủ hay củ cải, còn thịt ba rọi (ba chỉ) thì kho rệu. Nhà nào cũng có nồi thịt kho rệu. Heo được nuôi cho ăn tấm cám, chuối cây, v.v. ít mỡ, thịt dẻ rất thơm ngon. Tôi nhớ ngày đó, chị tôi dùng hành tím, tỏi, ớt sừng trâu, nước mắm, đường, v.v. ướp thịt. Dùng nước dừa cho vào nồi, thêm nước mắm và chút ít đường bắt lên bếp nấu khi nước sánh lại có màu cánh ván thì cho thịt vào và cho lửa nhỏ riu riu đến lúc thịt rệu thì nhắc xuống để dành cúng ông bà trong ba ngày Tết. Thịt kho rệu quê tôi thường ăn với cơm trắng kèm với chuối chát, dưa leo, rau thơm và dưa cải, v.v. Tuy đơn giản nhưng ăn rất ngon, chứ không phải như thịt heo nuôi thức ăn công nghiệp, tăng trọng như bây giờ không thơm ngon, bị bở và mau ngán.
Chiếu 30 Tết, gia đình nào cũng rộn rã với con cháu xum họp gia đình để chung vui bữa cơm chiều đón rước ông bà, tiễn năm cũ, đón năm mới. Bữa cơm chiều 30 Tết, gọi là mâm cơm canh đón ông bà nên lúc nào cũng có món canh, không ít gia đình chọn món canh khổ qua (mướp đắng) dồn chả cá thát lát ăn rất ngon mà không ngán với niềm hy vọng là mọi việc khổ cực năm cũ sẽ qua. Đến bây giờ, dẫu thời gian đi qua và thời cuộc nhiều đổi thay nhưng ngày Tết ở quê tôi vẫn ưa chuộng món canh khổ qua để tiễn năm cũ. Có gia đình còn dùng thịt bò kho khổ qua để mong ước sẽ “bò qua cái khổ” và năm mới sẽ được may mắn, sung túc hơn.
Quê tôi nghèo nhưng Tết đến thì nhà nào cũng lo tươm tất mâm cơm canh đón rước ông bà và không quên gói bánh tét cho ngày mùng Ba (giống như bánh chưng). Thường những ngày mùng Một, mùng Hai Tết ít gia đình nào ăn bánh Tét. Bởi những ngày đó, thịt cá, thức ăn nhiều quá. Món bánh Tét là để dành cúng mùng Ba. Thường 4-5 giờ sáng cúng mùng Ba, lễ vật gồm con gà trống luộc, dĩa bánh, hoa quả… để cầu năm mới mọi sự may mắn, tốt lành.
Xa quê gần 40 năm, đã trở thành người phố thị rồi, cha mẹ tôi cũng hóa người thiên cổ nhưng khi Xuân vế Tết đến, tôi không sao nguôi được nổi nhớ hương vị quê nhà. Nhớ bữa cơm chiều 30 Tết, anh em, cha mẹ sum họp quây quần bên bữa cơm với những món ăn dân dã của quê mình và ấm áp bao yêu thương gia đình. Ước gì bây giờ có được những bữa cơm như thế!
Cá lóc nướng trui |
Tôm càng nướng |