Hương Canh - một địa chỉ du lịch hấp dẫn của tỉnh Vĩnh Phúc do tiền nhân để lại
Du lịch 13/04/2023 13:50
Cụm đình Hương Canh tọa lạc trên đất thị trấn Hương Canh thuộc huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc gồm đình Hương Canh, đình Ngọc Canh và đình Tiên Canh (Tiên Hường), thuộc ba làng cổ của thị trấn Hương Canh.
Cả ba ngôi đình đều được xây dựng vào thời Hậu Lê (cuối thế kỉ XVII, đầu thế kỷ XVIII) và đều thờ chung 6 vị thành hoàng làng là: Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập, Nam Tấn vương Ngô Xương Văn, Linh Quang Thái Hậu Dương Thị Như Ngọc, Á Lữ Nương Nương Dương Phương Lan, Thị Tùng Phu nhân Phạm Thị Uy Duyên, Đông Nhạc Đại thần Đỗ Cảnh Thạc - là vợ, con, cháu và tướng của vua Ngô Quyền.
Cụm đình Hương Canh là những ngôi đình cổ tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc đình làng Bắc Bộ. Bố cục mặt bằng ba ngôi đình đều theo kiểu thức chữ “Vương”. Với kết cấu kiến trúc bằng gỗ, cụm di tích đình Hương Canh còn nổi tiếng về những chạm khắc bằng kĩ nghệ chạm bong, đục thủng với phong cách dân gian, hài hòa, phóng khoáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo như: “Dựng cột buồm”, “Uống rượu”, “Đánh cờ”, “Long quyến thủy”...
Đình Hương Canh trong Cụm đình Hương Canh. |
Với giá trị kiến trúc và nghệ thuật điêu khác độc đáo, cụm di tích đình Hương Canh thực sự là một bảo tàng về mĩ thuật dân gian thời Hậu Lê, được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia năm 1964 (đình Hương Canh) và năm 1984 (đình Ngọc Canh và đình Tiên Canh).
Với giá trị lịch sử cùng với nghệ thuật kiến trúc đình làng Bắc Bộ tuyệt tác, độc đáo, mĩ thuật cao, cụm đình Hương Canh vinh dự được xếp hạng “Di tích Quốc gia đặc biệt” theo Quyết định số 1649/QĐ -TTg ngày 29/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là niềm vui cùng sự tự hào, phấn kích không chỉ cho riêng thị trấn Hương Canh và huyện Bình Xuyên mà chung của cả tỉnh Vĩnh Phúc. Cụm đình Hương Canh lại bừng sáng trên bản đồ Du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng và toàn quốc nói chung. Như vậy, đến cuối năm 2022, tỉnh Vĩnh Phúc có 1.303 di tích, di chỉ, đình, đền, chùa, miếu, trong đó nổi bật là 4 Di tích Quốc gia đặc biệt(Đình Thổ Tang, Di tích Lịch sử và danh thắng Tây Thiên - Tam Đảo, tháp Bình Sơn và Cụm đình Hương Canh), 65 Di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 446 Di tích xếp hạng cấp tỉnh... là những thông điệp lịch sử, văn hóa đặc sắc của vùng đất cổ Vua Hùng.
Điều đặc biệt và thú vị, tại cụm đình Hương Canh có Lễ hội kéo song Hương Canh diễn ra từ mùng 3 đến mùng 5 tháng Giêng hằng năm. Đây là lễ hội dân gian độc đáo diễn ra tại bãi kéo song Cầu Treo. Đó là những màn thi đấu quyết liệt, vui nhộn của 3 làng có 3 đình (Hương Canh, Ngọc Canh, Tiên Canh), nhằm tái hiện việc thao diễn thủy quân của vị anh hùng dân tộc Ngô Quyền trong lịch sử chống quân xâm lược Nam Hán, kết thúc 1.000 năm Bắc thuộc, mở ra kỉ nguyên độc lập, tự chủ quốc gia Đại Việt vào thế kỉ X. Ngày 2/12/2015, di sản Nghi lễ và trò chơi kéo co (trong đó có trò kéo song Hương Canh) đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Cùng với cụm đình thì ở 3 làng cổ Hương Canh này hiện có 9 giếng cổ có từ thời xây dựng cụm đình, đó là: giếng Treo, giếng Gợ, giếng Chùa, giếng Hạ, giếng Dộc, giếng Mướp, giếng Trong, giếng Giữa và giếng Nội. Cả 9 giếng cổ đều được xếp đá ngay ngắn, chắc chắn từ đáy trở lên tang giếng, qua bao năm tháng không hề xói lở. Tang giếng hình lục giác gồm 6 phiến đá vân xanh có cùng kích thước lắp ghép với nhau bởi mộng đuôi cá. Mỗi giếng cổ thường gắn với một am hoặc điếm thờ, người dân đến đây thắp hương vào mỗi dịp lễ, Tết để tạ ơn Trời - Đất đã cho muôn dân được hưởng nguồn nước trong và mát, uống có vị ngọt dịu tự nhiên. Từ đó đến nay, Nhân dân Hương Canh vẫn giữ gìn, tôn tạo, bảo tồn nguyên vẹn cả 9 giếng cổ cho muôn đời sau.
Từ xa xưa, người dân nơi đây đã sản sinh ra nghề gốm sứ, thương hiệu “Gốm sành Hương Canh” đi vào lịch sử bằng câu truyền tụng để đời “Sứ Móng Cái, vại Hương Canh”. Cũng thật tinh tế, cầu kì, Hương Canh có nhiều món ăn thanh tao, để rồi được truyền tụng, hấp dẫn với món “Cháo se, bánh hòn”, “Vó cần Hương Canh” - (hay còn gọi là nộm rau cần)... Phải chăng, đây là một cách “níu giữ”, “mời gọi” những du khách thập phương đến thưởng lãm cụm đình Hương Canh, để rồi “Người ơi, người nhớ lại về Hương Canh!”...
Nhìn vào lịch sử của đất nước và dân tộc Việt Nam thì Vĩnh Phúc, trong đó có huyện Bình Xuyên là trung tâm sinh tụ, nơi phát lộ dấu tích của người Việt cổ - những chủ nhân đầu tiên của nền văn minh lúa nước sông Hồng, hình thành nên quốc gia Văn Lang thời Hùng Vương dựng nước....
Di tích Quốc gia đặc biệt cụm đình Hương Canh là thông điệp minh chứng giá trị đích thực của một vùng đất anh linh. Mặc dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử, của thời gian, nhưng, Nhân dân thị trấn Hương Canh cùng huyện Bình Xuyên vẫn bảo tồn, gìn giữ, duy trì được những kiến trúc nghệ thuật độc đáo của 3 ngôi đình cổ mà tiền nhân trao lại. Hiện tại và mãi sau, cả tỉnh Vĩnh Phúc, chủ yếu là huyện Bình Xuyên và thị trấn Hương Canh có trách nhiệm quản lí Di tích bằng luật pháp và bằng tấm lòng, để cụm đình Hương Canh xứng đáng là nơi lưu giữ hồn thiêng dân tộc, địa chỉ có giá trị giáo dục truyền thống yêu nước trường tồn... Ông Nguyễn Văn Đoàn và bà Vũ Thị Thúy Hằng, Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hương Canh; ông Trần Minh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ cùng các ông Trần Văn Học và Nguyễn Văn Thuộc, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội NCT thị trấn Hương Canh (huyện Bình Xuyên) rất tự hào, khẳng định: Từ khi cụm đình Hương Canh được xây dựng cho đến nay và mãi mãi về sau là vai trò của các bô lão trước kia và người cao tuổi ngày nay của thị trấn. Hiện tại, mỗi đình đều có một Tiểu ban quản lí từ 5 đến 10 thành viên đều là NCT. Cụm đình Hương Canh được lớp lớp NCT Hương Canh quý trọng, gìn giữ như linh hồn và trái tim của chính mình.
Để cụm đình Hương Canh thường xuyên thu hút đông đảo du khách thập phương tới chiêm bái, địa phương cần có chiến lược quảng bá sâu rộng và phát triển thêm nhiều loại hình du lịch phụ cận để tạo sự đa dạng, hấp dẫn, níu giữ.