Giã biệt cụ mai
Truyện ngắn 10/01/2020 09:15
Có thể nói cụ yêu quý cây mai này như yêu con. Hằng ngày cụ đều săm soi, tưới nước, bắt sâu, tỉa cành như chăm sóc con mọn. Mỗi lần Tết đến, cụ dùng giấy hồng điều cắt vuông vắn rồi viết lên đó chữ PHƯỚC bằng Hán tự mang ra dán lên thành chậu để tết cho cây.
Cụ Tùng thường chia sẻ với bạn bè cây mai này có gốc gác từ thời ông nội, đến đời cha rồi mới tới cụ. Tính ra tuổi thọ của cây có hơn trăm năm nên cụ mới tôn xưng là “cụ mai”. Theo lời cụ Tùng, cách nay rất lâu, một lần ông nội cụ đi Cần Thơ thăm người bà con được một người bạn tặng cho gốc mai vàng phương Nam, ông cho lên xe chở về, phải qua nhiều chặng đường gian nan vất vả.
Cụ mai được bố trí hài hòa trong một chậu cổ men xanh, miệng tròn, quanh chậu hiện lên ba chữ nổi Phước - Lộc - Thọ bằng Hán tự trông rất cổ kính. Cây cao khoảng 1,5 mét, vòng tròn cây độ ba gang tay. Rễ cây ngoằn ngoèo, đế vững chãi, da gồ ghề, gân guốc giống như bắp tay của một lực sĩ. Có thể nói đây là một gốc lão mai hoàn chỉnh nhất. Từ gốc, rễ, thân, cành cho tới lá đều hài hòa. Cụ giới thiệu với nhiều người đây là cây mai tứ diện, thế trực, dáng cây hùng dũng, tượng trưng cho hạng người quân tử. Chính nhờ vậy mà có rất nhiều nghệ nhân hoa cảnh đến hỏi mua với giá 3 cây vàng nhưng cụ nhất định không bán. Cụ nói đây là cây mai gia bảo, cây độc nhất vô nhị trên vùng đất Tây Nguyên nầy, nếu mình bán đi sẽ có lỗi với người người quá cố.
Minh họa Trần Nhương |
Thế nhưng, trên đời nầy chẳng có gì là vĩnh cửu cả. Năm tháng qua đi, cụ Tùng đã già yếu lại nuôi thêm đứa cháu đích tôn đang học đại học, không may bị bệnh tim mạch đã nhiều năm. Cha mẹ nó đã qua đời vì tai nạn giao thông. Vì thương cháu, cụ đã bán hết gia tài vườn kiểng để trị bệnh cho cháu nhưng cũng chưa khỏi hẳn. Đối với cụ, mỗi lần bán đi một cây kiểng là mỗi lần đau nhói cả con tim, nhưng biết sao bây giờ! Quy luật cuộc sống là vậy. Cái gì rồi cũng mất đi, cũng phôi pha. Cụ bán theo kiểu “chim bổi bán trước, chim gáy bán sau” cũng như “cây cong đốn trước, cây thẳng đốn sau”, nghĩa là lúc đầu bán những cây bình thường, rẻ tiền, sau đó bán tiếp những cây có giá trị kinh tế và nghệ thuật cao. Cứ thế, lần hồi những chậu lan, chậu kiểng không cánh mà bay đi sạch vườn. Cụ đau đớn tột cùng.
Nay chỉ còn lại “cụ mai” cuối cùng. Linh tính báo trước sau gì “cụ” cũng phải lên đường về với chủ mới - Cụ tâm sự một mình.
Để bán được nhiều tiền, Tết năm đó cụ Tùng khiêng “cụ mai” ra chợ với hi vọng tìm được những người đồng điệu rước “cụ” về sân vườn của các nhà quyền quý cao sang. Trong thâm tâm cụ muốn “chọn mặt gởi vàng” để “cụ mai” khỏi lọt vào những tay phàm phu tục tử chuyên kinh doanh lấy lời. Tội nghiệp cho “cụ” lắm!
Mấy ngày đầu có đến hàng chục người gạ giá nhưng phần đông là những thương lái chuyên mua đi bán lại nên cụ buộc lòng phải hét giá cao. Cụ nóng lòng chờ gặp những nghệ nhân tài hoa lịch lãm, biết “thương hoa tiếc ngọc”, yêu quý mai, cho dù giá rẻ cụ vẫn sẵn sàng.
Mãi đến ngày 29 Tết, trong lúc có nhiều người tranh nhau làm giá thì lại xuất hiện một đại gia. Ông ấy dừng xe lại ngắm nhìn “mĩ nhân” một lát rồi trịnh trọng xin phép sờ mó vào thân cây và bộ rễ của cụ mai. Sau khi hai bên, người mua kẻ bán trao đổi thân tình, cùng nhau chia sẻ nghệ thuật, vị đại gia thấu hiểu hoàn cảnh của cụ Tùng nên ông ấy nói một câu như đinh đóng cột:
- Cây mai này quả là cây quý hiếm, 3 cây vàng là đúng giá. Tôi sẽ mua. Xin bác hãy yên tâm, tôi sẽ yêu quý “cụ” như bác từng yêu quý vậy. Nhân tiện đây, bác cho tôi gởi thêm ít tiền để cháu nội của bác vui Tết.
Cụ Tùng không muốn khóc nhưng sao nước mắt cứ trào ra.
- Tôi cám ơn lòng tốt của cậu. Lời nói cuối cùng của tôi là nhờ cậu thay tôi chăm sóc “cụ” cho thật tốt để mai này khi xuống tuyền đài gặp lại ông nội và cha tôi, tôi không lấy làm hổ thẹn.
Trong lúc mọi người đang ì ạch khiêng cây mai lên xe, cụ Tùng nghiêng mình chắp tay, mắt đỏ hoe, miệng thì thầm: “Cụ hãy tha lỗi cho tôi. Vì hoàn cảnh bất đắc dĩ nên tôi đành lòng phải xa cụ. Kính chúc cụ về chủ mới luôn khỏe mạnh và xanh mãi với thời gian”. Xin giã biệt cụ…