Ghi hình, livestream các phiên xét xử tại tòa án mà không được đồng ý có thể bị phạt tới 7 triệu đồng
Tin tức - Sự kiện 18/08/2022 17:03
Quang cảnh phiên họp sáng 18/8 |
Sáng 18/8, trước khi xem xét, thông qua dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh này.
Bà Nga cho biết, trên cơ sở các ý kiến tại phiên thảo luận ngày 15/8 vừa qua, Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã chủ trì, phối hợp với TAND tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an và Viện KSND tối cao khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến thảo luận tại phiên họp; đồng thời, gửi dự thảo Pháp lệnh xin ý kiến các cơ quan có liên quan; bảo đảm hoàn thiện về nội dung và kỹ thuật trước khi trình UBTVQH thông qua tại phiên họp hôm nay.
Về một số nội dung cụ thể, Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo pháp lệnh nêu, liên quan quy định về hành vi ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa, có ý kiến đề nghị rà soát để bảo đảm thống nhất với các luật tố tụng.
Theo bà Lê Thị Nga, nội quy phiên tòa, Bộ Luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính đều có quy định "Nhà báo ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa. Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ". Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng hình sự chỉ quy định chung: "Mọi người trong phòng xử án phải tôn trọng Hội đồng xét xử, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa".
Vì vậy, tiếp thu ý kiến của UBTVQH, để bảo đảm quy định thống nhất giữa pháp lệnh với các luật tố tụng về hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, khoản 4 Điều 23 về phạt tiền từ 1-7 triệu đồng, điểm c và điểm d được chỉnh lý như sau: "Ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa hoặc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ trong phiên tòa xét xử vụ án dân sự, vụ án hành chính; không tuân theo sự điều hành của Chủ tọa phiên tòa về hoạt động ghi âm lời nói, ghi hình ảnh trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự".
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại phiên họp |
Phát biểu tại phiên họp về nội dung này, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình lý giải: "Các vụ án xâm hại nhân thân, xâm hại nhân phẩm mà bây giờ cũng ghi âm, ghi hình, livestream đưa hết lên mạng là câu chuyện vi phạm quyền con người. Pháp luật chúng ta cũng như các nước trên thế giới quy định chuyện này là xuất phát từ việc bảo vệ quyền con người".
Khẳng định việc livestream, ghi âm, ghi hình các phiên xét xử tại Tòa án mà không được sự cho phép của Chủ tọa phiên tòa là không được, Chánh án TAND tối cao mong người dân và truyền thông tôn trọng, chia sẻ áp lực của các Thẩm phán khi đứng trước mục tiêu lớn là phải đưa ra phán quyết đúng đắn liên quan các sinh mạng và bảo đảm quyền con người.
Sau khi thảo luận, UBTVQH đã biểu quyết với 100% thành viên có mặt tán thành thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Sáng 17/8, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Phiên họp thứ 22 của ... |
Bị phạt đến 40 triệu nếu lợi dụng chức vụ can thiệp giải quyết vụ án Theo Dự thảo Pháp lệnh, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cá nhân đến ... |
Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Cần kiên trì, nhân văn, bài bản và thuyết phục Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Quan điểm nhất quán của Trung ương là phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực một cách ... |