Đừng ép cha mẹ vào trại dưỡng lão
Giáo dục 11/03/2021 18:25
Khi cha mẹ chưa muốn
Phải nói rằng với mức đóng góp tại các trung tâm dưỡng lão hiện nay là khoảng từ 8 triệu đồng đến 15 triệu đồng/ 1 tháng/ 1 người (giá tùy vào sức khỏe của mỗi người) thì đời sống của NCT tại các trung tâm dưỡng lão đã khá tốt. Họ được chăm sóc sức khỏe, được hỗ trợ trong sinh hoạt hàng ngày, được bầu bạn, chia sẻ và có thêm nhiều giá trị khác… Theo khảo sát, đa số NCT vào sống ở trung tâm dưỡng lão hiện nay là NCT có lương hưu hoặc con cháu có thu nhập khá giả mới đưa cha mẹ vào đó.
NCT được chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh |
Tuy nhiên, NCT hay suy nghĩ cùng với tư duy văn hóa Á đông nên họ quan điểm khi về già là sống cùng con cháu và sống cùng con cháu là niềm hạnh phúc nhất của NCT khi về già. Chính vì vậy việc vào sống trong tại dưỡng lão với họ không phải với ai cũng phù hợp.
Ngay cả khi sống tại gia đình cũng con cháu, người già vẫn cảm thấy mình cô đơn khi con cháu không hỏi han, quan tâm mỗi ngày. Đây là tâm lí chung mà họ gặp phải khi con cháu quá mải mê công việc. Cũng từ đây, những NCT thường sống trong tâm trạng buồn tủi và suy nghĩ nhiều dẫn đến suy nhược và ảnh hưởng đến sức khỏe. Còn khi ở trong viện dưỡng lão cơ hội để NCT gần gũi và gặp con cháu là rất ít.
Theo chị Trần Thị Tuyết, nhân viên chăm sóc NCT tại một trung tâm dưỡng lão tại Hà Nội cho biết, nhiều gia đình con cháu ở gần và có điều kiện thường xuyên đến thăm và động viên thì cha mẹ họ rất vui vẻ và hài lòng. Có gia đình do điều kiện nào đây mà con cháu ít đến, có khi cả năm họ mới đến một lần thì NCT khá buồn và thường rơi vào trạng thái cảm thấy mình rất đơn độc.
Trong một lần đến thăm các cụ ở một viện dưỡng lão tại Hà Nội, tôi bắt gặp một cụ bà chỉ ngồi yên một góc để quan sát một số cụ khác đang tập thể thao.Tôi hỏi tại sao cụ không tham gia. Cụ lắc đầu. Trong câu chuyện, cụ bảo năm nay cụ đã 84 tuổi, có 5 người con. Rồi cụ bộc bạch: “Tôi không muốn vào đây, tôi muốn được ở nhà,vậy mà chúng cứ ép tôi vào”. Chúng bảo “Mẹ khổ cả đời rồi vào đây có người chăm sóc”. Nhưng vào đây đã 3 tháng mà tôi vẫn thấy lạc lõng. Tôi quê ở Hà Nam, con cháu làm ăn buôn bán ở xa nhà, nhưng tôi có những người bạn hàng xóm”. Chúng lo cho tôi và đưa tôi vào đây, nhưng tôi không thấy vui". Quả thật, sau khi chào bà cụ và trong suốt một buổi ở đây, tôi chỉ thấy cụ với vẻ mặt buồn thiu ngồi một góc.
NCT tại Trung tâm dưỡng lão Bách niên Thiên Đức |
Bước vào tuổi 85, cụ Hải chậm chạp và yếu đi nhiều. Cụ có 3 người con đã thành đạt, yên bề gia thất nhưng việc chăm sóc mẹ già cũng trở thành gánh nặng và khó xử với con cháu. Vì ai cũng bận bịu công việc làm ăn, có gia đình riêng, lại thêm ở cách xa nhau nên việc phân công chăm sóc mẹ già cũng nan giải. Bên cạnh đó, anh chị em mỗi người mỗi ý dẫn đến bất đồng quan điểm và cuối cùng họ quyết định đưa bố vào trại dưỡng lão để yên tâm hơn, kinh phí đóng góp chia đều cho 3người con. Thế nhưng, được hai tháng, đi thăm bố, chứng kiến sự buồn bã và khó hòa nhập của cụ, các con cháu lại quyết định đưa cụ về nhà. Từ khi đưa cụ về nhà, thuê một người chăm sóc thấy cụ vui hơn, sức khỏe cũng tốt hơn.
Có thể nói, việc đưa cha mẹ vào trại dưỡng lão là xu thế ưu việc trong xã hội hiện đại, nhưng với mỗi người, mỗi gia đình lại cần phải tính toán rất kĩ các điều kiện, đặc biệt là tâm lí và những mong muốn của người già để đi đến quyết định phương án tốt nhất.
Đa số NCT sống trong trại dưỡng lão cảm thấy hài lòng
Một lần đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh tôi thực sự bất ngờ vì ở đây có một môi trường rất tốt cho NCT. Mấy năm gần đây, ngoài những NCT được chăm sóc theo chế độ, chính sách của nhà nước, Trung tâm Bảo trợ tỉnh Quảng Ninh còn mở thêm mô hình dịch vụ chăm sóc NCT nhằm tạo điều kiện cho các gia đình không có điều kiện chăm sóc cha mẹ.
Trong một khuôn viên nhiều cây xanh, NCT có điều kiện đi bộ, thư giãn, thể thao, văn nghệ và sử dụng các máy móc phục hồi chức năng hiện đại. Do có điều kiện ở gần nhau, tâm tình chia sẻ nên nhiều cụ có tình cảm yêu thương, quí mến bạn khác giới. Nắm bắt được tâm lí đó, Trung tâm còn bố trí cho họ ở cùng phòng để tiện chăm sóc nhau. Bà Lành, 70 tuổi, đã ở đây nhiều năm bộc bạch: “Tôi rất vui từ ngày gặp ông Phấn. Tôi khỏe hơn nên thường chăm sóc ông ấy, hơn nữa ông ấy lại bị mù”.
Bà Nguyễn Thị Lành và ông Phấn |
Bà Minh, ở quận Hoàng Mai ở một mình trong một chung cư, con cháu ở chỗ khác. Đến tuổi 80, bà về sống chung với con cái, vừa thấy phiền phức, vừa cảm giác mình là gánh nặng nên bà quyết định vào trại dưỡng lão ở Sóc Sơn. Vào rồi, bà cảm thấy thích vì chất lượng phục vụ chu đáo, có người tâm sự, trò chuyện. Một hoặc hai tuần có các con vào thăm hoặc đón bà về nhà chơi nên bà cảm thấy hài lòng. Vợ mất cách đây chục năm nên ông Sang 75 tuổi sống một mình do con cháu ở trong quân đội công tác xa. Sau nhiều năm cô đơn, buồn chán, ông quyết định bán nhà và dùng số tiền này tự lo cho mình trong trại dưỡng lão. Được ở phòng riêng với đầy đủ tiện nghi, được chăm sóc sức khỏe tốt, được bầu bạn với các cụ cùng hoàn cảnh nên ông rất hài lòng, tinh thần vui vẻ, lạc quan và ít nghĩ ngợi hơn. Thỉnh thoảng có con cháu và họ hàng vào thăm nên ông rất hài lòng.
Cuộc sống hiện đại thời kỹ thuật số đang tạo ra nhiều áp lực và con người không còn nhiều thời gian dành cho gia đình, chăm sóc ông bà, cha mẹ. Vì thế, nhiều người già đã và đang phải chịu cảnh buồn chán, trầm cảm vì sống lủi thủi, cô đơn một mình ở nhà. Không ít trường hợp gặp rủi ro, bị ngã bệnh, trượt té và bị tai biến nặng nhưng con cái không kịp có mặt để chăm sóc.
Trung tâm dưỡng lão Bách niên Thiên Đức tổ chức cho các cụ đi thăm làng gốm Bát Tràng |
Phân tích thực tế và xu thế lão hóa dân số ở Việt Nam với tốc độ nhanh, cuộc sống hiện đại có nhiều áp lực, thiếu thời gian..., một số chuyên gia xã hội cho rằng, việc bỏ tiền đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão để họ hưởng một dịch vụ tốt, có điều kiện chăm sóc sức khỏe, khác với chối bỏ trách nhiệm. Chữ hiếu thời nay cần được hiểu đúng ý nghĩa nhân văn và xã hội cần “nghĩ thoáng” hơn về vấn đề này. Nếu người già được chăm sóc, được quan tâm để sống vui, sống khỏe và có ý nghĩa ở những ngày gần đất xa trời thì nên ủng hộ. Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến và tuân theo quyết định của các cụ, chứ không nên ép buộc.