Đồng Nai: Dân mong “thoát cảnh” có đất cũng như không!
Đơn thư bạn đọc 24/01/2021 15:39
“Dính” đất dự án nhưng… không biết!
Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhiều người vẫn phải cầm hàng xấp đơn thư, tài liệu gõ cửa chính quyền, các cơ quan chức năng mong dứt điểm vụ việc liên quan đến đất đai.
Trang 1 |
Đơn thư của 26 hộ dân gửi game bài đổi thưởng tiền that |
Vừa gặp nhóm phóng viên, cụ Bùi Văn Toàn năm nay 84 tuổi giọng đặc chất miền Trung nói như chực khóc: “Khai hoang lập ấp từ những năm 1975, bao nhiêu đất đai đổ mồ hôi công sức đến nay nhưng giờ không làm được gì. Không mua bán sang nhượng, không cho được con cái bởi vì dính vào cái dự án treo. Giờ có nhà mà phải đi mua đất chỗ khác để ở. Ở tuổi này rồi, mong được an yên, mong cho con cho cháu ít “của để dành” từ mảnh đất do mình làm ra mà giờ không những không được còn phải đi quỵ lụy các cấp chính quyền nộp đơn khiếu kiện”.
Ông Phan Đức Hiền (66 tuổi), ngồi kế bến cụ Toàn nói thêm “Đất đai, nhà cửa chúng tôi đang ở được quy hoạch là đất dự án mà không ai hề biết. Đến khi có người đi xin làm sổ thổ cư thì mới được thông báo là đất được quy hoạch dự án, không được chuyển đổi hay mua bán, sang nhượng. Cách đây mấy năm, gia đình đã bị thu hồi gần 15.000m2 đất để Nhà nước triển khai xây dựng Khu công nghiệp Giang Điền, nay lại có khả năng bị “giải tỏa trắng” phần đất còn lại đang ở. Kiểu này chỉ có nước ra đường chứ đất đâu nữa mà ở”.
Cụ Bùi Văn Toàn chỉ vào mảnh đất và ngôi nhà của mình đang “dính” dự án |
Phần đất còn lại của gia đình ông Phan Đức Hiền |
Cụ Bùi Văn Toàn (trái) và ông Phan Đức Hiền nói về vụ việc |
Theo đơn phản ánh của người dân, năm 2014, một số người dân tại ấp Long Đức 2, xã Tam Phước, thành phố Biên Hòa (nay là khu phố Long Đức 2, phường Tam Phước) có nhu cầu xin cấp thổ cư thì được cơ quan chức năng thông báo là không được. Bất ngờ hơn, lý do được đưa ra là: phần đất của những người này đã được quy hoạch giao cho Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Lê Sơn Thịnh thực hiện xây dựng dự án Khu dân cư Lê Sơn Thịnh. Người dân vô cùng bất ngờ vì từ trước đến nay chưa nghe thông tin nào về dự án có tên Khu dân cư Lê Sơn Thịnh, ngay cả chính quyền địa phương sở tại cũng không thông báo là có dự án này. Phần đất mà người dân được quyền sử dụng hợp pháp nay có nguy cơ bị thu hồi.
“Tôi cam đoan, gần như 100% các hộ dân ở đây chưa bao giờ được thông báo về dự án này với tư cách là người có đất nằm trong dự án theo quy định của pháp luật. Bản thân chúng tôi nhận thức rõ, đây là vấn đề nghiệm trọng, bởi thông tin không đến được tai người dân, chính quyền không thông báo. Chúng tôi đã bị tước bỏ quyền sử dụng hợp pháp phần đất của mình đã được luật pháp công nhận để giao cho một đơn vị tư nhân đầu tư thu lợi mà chúng tôi lại chưa bao giờ được thông báo, được hỏi ý kiến, được bàn bạc về vấn đề quy hoạch, việc công khai sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013”, ông Đoàn Súy (66 tuổi) - một người dân bị “dính” dự án bức xúc nói.
Chủ đầu tư được ưu ái?
Hơn 6 năm được phê duyệt quy hoạch, dự án Khu dân cư Lê Sơn Thịnh vẫn trong tình trạng “án binh bất động”, khiến người dân không được sang nhượng, chuyển dịch mua bán. “Ức chế” là từ được người dân nhắc đi nhắc lại trong suốt cuộc trao đổi với nhóm phóng viên.
Địa phương cắm biển thông báo “nghiêm cấm mọi hành vi chuyển nhượng đất” ở phần đất khu vực 26 hộ dân đang sinh sống |
Sau nhiều lần gõ cửa các cơ quan chức năng không có kết quả, tháng 10 năm 2020, 26 hộ dân đã làm đơn khiếu nại tố cáo gửi Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai về việc chủ đầu tư là Công ty Lê Sơn Thịnh lập dự án treo, từ tháng 01 năm 2014 đến nay do không đủ năng lực tài chính, gây bức xúc dư luận… Ngoài ra, đơn mà các hộ dân gửi Người đứng đầu tỉnh này còn đề cập đến những dấu hiệu sai phạm trong khâu tham mưu, đề xuất của một số cơ quan chức năng, chính quyền thành phố Biên Hòa để Công ty Lê Sơn Thịnh thực hiện dự án trái pháp luật.
Theo các hộ dân thì Văn bản số 317/UBND-ĐT ngày 14/1/2014 về việc thỏa thuận địa điểm cho Công ty TNHH Thương mại Lê Sơn Thịnh đầu tư dự án khu dân cư Lê Sơn Thịnh tại xã Tam Phước, thành phố Biên Hòa do ông Trịnh Tuấn Liêm, Quyền Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa ký có nêu: “Thời hạn hiệu lực của văn bản này là 24 tháng kể từ ngày ký. Hết thời hạn nêu trên, nếu nhà đầu tư không làm thủ tục gia hạn theo quy định, văn bản này không còn giá trị pháp lý” và đến nay, văn bản này đã quá thời hạn 5 năm?
Sau khi ra Văn bản số 317/UBND-ĐT ngày 14/1/2014, UBND thành phố Biên Hoà ra tiếp Thông báo số 60/TB-UBND ngày 24/1/2014 cũng do ông Trịnh Tuấn Liêm, Quyền Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa ký về việc thu hồi đất và cho phép khảo sát, đo đạc lập dự án Khu dân cư Lê Sơn Thịnh tại xã Tam Phước, thành phố Biên Hòa. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà sau khi có thông báo thu hồi đất, cơ quan có thẩm quyền và chủ đầu tư không thực hiện dự án theo quy định, không tiến hành họp dân để thông báo, công khai các vấn đề xoay quanh dự án? Theo người dân thì, cơ quan có thẩm quyền đã vi phạm nghiêm trọng Điểm a, Khoản 4, Điều 97, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính Phủ về việc “Không thông báo cho người có đất bị thu hồi theo quy định tại điều 67 của Luật Đất đai”.
Các hộ dân cũng đặt vấn đề, mặc dù Văn bản số 317/UBND-ĐT ngày 14/1/2014 đã hết hiệu lực, chủ đầu tư cũng không thực hiện dự án như quy định, nhưng không hiểu vì sao ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai vẫn tiếp tục ký ban hành Văn bản số 912/UBND-ĐT ngày 06/2/2017 về thỏa thuận địa điểm cho Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Lê Sơn Thịnh đầu tư dự án mở rộng khu dân cư tại xã Tam Phước thành phố Biên Hòa. Và đến nay, cả Văn bản 912/UBND-ĐT cũng đã hết thời hạn hiệu lực.
Trong đơn gửi Tạp chí Người Cao tuổi, các hộ dân cho rằng, khi ký Văn bản 912/UBND-ĐT, ngày 6 tháng 12 năm 2017, ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã làm trái quy định tại điểm b, khoản 1, điều 15, quy định về thẩm quyền quyết định địa điểm tại Quyết định số 28/2014/QĐ-UBND ngày 23/7/2014, về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định thỏa thuận địa điểm dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là phải thông qua Thường vụ Tỉnh Ủy, chứ không thể căn cứ vào đơn xin của Công ty TNHH TMDV Lê Sơn Thịnh. Vậy câu hỏi đặt ra là liệu chăng có một sự ưu ái “không hề nhẹ” cho chủ đầu tư?
Người dân trao đổi vụ việc với phóng viên |
Thông tin người dân cung cấp cho thấy, Công ty Lê Sơn Thịnh hoàn toàn chưa có đất trong tổng số hơn 25,8 ha được giới thiệu địa điểm, như chính công ty này đã từng tuyên bố khi họp dân cách đây 3 năm. Cụ thể: 10,2 ha mua qua đấu giá hiện nay đang có đơn khiếu nại của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – Chi nhánh quận 1 (Agribank quận 1) và các cổ đông của Công ty Sài Gòn Cây cảnh. Đồng thời, ngày 15/4/2020, UBND tỉnh Đồng Nai có Văn bản số 4259/UBND-KTN (hỏa tốc) gửi các cơ quan tư pháp của tỉnh nắm bắt nội dung, báo cáo và tham mưu UBND tỉnh giải quyết vấn đề tranh chấp 10,2 ha này do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có Kết luận số 83/KL-VKSTC ngày 16/9/2019 về việc trực tiếp giám sát Quyết định thi hành án số 75/QĐ-CTHA ngày 25/6/2015 của Chi cục thi hành án tỉnh Đồng Nai. Hiện nay, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có kháng nghị giám đốc thẩm.
Đặc biệt là hiện nay, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Đồng vẫn ghi chú vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nội dung như: “Thửa đất …. m2 nằm trong ranh dự án Khu dân cư Lê Sơn Thịnh theo Thông báo số 60/TB-UBND ngày 24/01/2014 của UBND thành phố Biên Hòa” Hoặc “Toàn bộ thửa đất nằm trong dự án của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Lê Sơn Thịnh”. Theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định tại Điều 11 và Điều 12, Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014, Khoản 12, Điều 6, Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 về việc ghi chú trên Giấy chứng nhận thì hoàn toàn không quy định việc ghi chú đối với trường hợp thửa đất đã có thông báo thu hồi đất.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi chú nội dung khiến dân không thể làm gì trên mảnh đất của mình |
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi chú nội dung khiến dân không thể làm gì trên mảnh đất của mình |
Những việc làm trên của các cơ quan chức năng đã khiến người dân gần như không thể làm gì trên mảnh đất của mình. Ông Trần Tấn Phát (57 tuổi) con trai của bà Trần Thị Chanh có trên 4.500 m2 đất bị “dính” vào dự án chua chát nói “Mang tiếng có đất mà chả có gì! Rõ ràng dự án vẫn còn nhiều vấn đề, nhưng các ban ngành và cơ quan chức năng vẫn tham mưu, đồng ý chủ trương cho Công ty Lê Sơn Thịnh đầu tư dự án. Dự án kèo dài 6-7 năm mà không đả động gì đã nói lên năng lực của công ty này”.
Mong mỏi “gỡ nút thắt”
Đó là tâm niệm lớn nhất của 26 hộ dân! Nhưng câu hỏi đặt ra là “nút thắt” sẽ được “gỡ” như thế nào? Căn cứ theo Quy định thỏa thuận địa điểm dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (Quyết định 26/2013/QĐ-UBND ) và các Điều 61, Điều 62, Luật Đất đai 2013 thì dự án Khu dân cư Tam Phước, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai được UBND thành phố Biên Hòa thỏa thuận địa điểm tại văn bản số 317/UBND-ĐT ngày 14/01/2014 là dự án kinh doanh không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất. Vì vậy, chủ đầu tư muốn thực hiện dự án thì phải thỏa thuận với người sử dụng đất nằm trong dự án đúng theo quy định của pháp luật. 26 hộ dân cho hay, từ năm 2014 đến nay, chủ đầu tư chỉ duy nhất một lần gặp gỡ dân (vào ngày 16/01/2018). Tại cuộc gặp này, người dân đã rất thiện chí, mong được đối thoại và thỏa thuận giá đền bù một cách công bằng với Công ty Lê Sơn Thịnh nhưng không được đáp ứng. Thậm chí, khi đang gặp gỡ, chưa kịp có tiếng nói chung thì chủ đầu tư đã bỏ về giữa chừng, tỏ thái độ coi thường người dân.
Chủ đầu tư có thể “im tiếng” nhưng với người dân, họ cần một câu trả lời thỏa đáng. Hoặc chí ít là cần có giải pháp để “gỡ nút thắt” cho dự án. Với một dự án được xác định là sinh lời, 26 hộ dân ở đây cũng sẵn sàng cùng chủ đầu tư thực hiện dự án bằng cách “góp vốn” từ nguồn đất của họ nếu hai bên không thỏa thuận được giá đền bù. Rõ ràng, tâm niệm của người dân là hết sức chính đáng bởi chiếu theo Luật Đất đai 2013, tại điểm i, khoản 1, Điều 179 có nêu “Trường hợp thuộc diện thu hồi để thực hiện dự án thì có quyền đầu tư trên đất hoặc cho chủ đất đầu tư dự án thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất với chủ đầu tư dự án để thực hiện dự án theo quy định của Chính phủ”. Sau khi tìm hiểu các chủ trương đầu tư, ngày 16/3/2020, bà Hoàng Thị Kim Xuân và bà Hoàng Thị Minh Ngọc (đại diện 26 hộ dân có đất) đã đứng đơn, trình kế hoạch xin được đầu tư dự án nhà ở theo quy hoạch trên phần diện tích khoảng 2,6 ha, trong đó, nêu rõ hợp tác với Công ty TNHH bất động sản Lạc Hồng (có thành viên góp vốn là bà Xuân). Nếu được chấp thuận, các hộ dân khác cũng sẽ đầu tư chung bằng việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất với chủ đầu tư dự án.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Hoàng Thị Kim Xuân |
Cũng phải nói thêm, trong Báo cáo Thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Quyết định chủ trương Dự án Khu dân cư tại phường Tam Phước, thành phố Biên Hòa, do Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Lê Sơn Thịnh đề xuất đầu tư, số 189/BC-SKHĐT do Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai ký ngày 25 tháng 3 năm 2020 cũng đã lưu tâm đến vấn đề này và đã có kiến nghị như sau: “Vừa qua Sở Kế hoạch & Đầu tư có nhận đơn ngày 16/3/2020 của bà Hoàng Thị Kim Xuân và bà Hoàng Thị Minh Ngọc, là chủ sử dụng đất khoảng 2,6 ha nằm trọng dự án này… Bà Xuân và bà Ngọc đề nghị được thực hiện dự án đầu tư nhà ở theo quy hoạch trên phần diện tích khoảng 2,6 ha nêu trên. Từ các lý do trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư kính báo cáo UBND tỉnh xem xét chỉ đạo trước khi thực hiện các thủ tục tiếp theo”.
Trang 1 |
Báo cáo Thẩm định số 189/BC-SKHĐT do Sở Kế hoạch và Đầu tư ký ngày 25 tháng 3 năm 2020 |
Thiết nghĩ, chính quyền sở tại cùng các cơ quan chức năng liên quan cần có câu trả lời thỏa đáng, xem xét đến những tâm nguyện chính đáng của người dân. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn để người dân sớm thoát khỏi cảnh “có đất cũng như không”!