Doanh nhân Đinh Quang Bào Khởi nghiệp tuổi cao niên |
Cái tên Ladoda chỉ đơn giản là viết tắt của cụm từ “làm đồ da” mà thôi. Bởi cả cuộc đời của doanh nhân Đinh Quang Bào gắn bó với nghề may da truyền thống của quê hương Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội nơi ông sinh ra, lớn lên và từng bước trưởng thành. |
Trong buổi tác nghiệp đưa tin cuộc đi thăm, làm việc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với các doanh nhân cao tuổi tiêu biểu tại Thủ đô Hà Nội nhân “Tháng hành động vì NCT Việt Nam” năm 2021 và Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), tôi đặc biệt ấn tượng với doanh nhân tâm tài Đinh Quang Bào, 83 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sản xuất dịch vụ thương mại sản phẩm da - Ladoda. Ông hóm hỉnh giải thích: Cái tên Ladoda chỉ đơn giản là viết tắt của cụm từ “làm đồ da” mà thôi. Bởi cả cuộc đời của ông gắn bó với nghề may da truyền thống của quê hương Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội nơi ông sinh ra, lớn lên và từng bước trưởng thành. Vượt lên gian khó… Gần 30 năm xây dựng và phát triển, đối diện với bao nhiêu khó khăn, thách thức, nhất là những năm gần đây do yêu cầu thị trường và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng doanh nghiệp may Ladoda vẫn từng ngày phát triển lớn mạnh, duy trì tăng trưởng và giữ vững uy tín, vị trí ngành hàng đồ da trong sự thay đổi liên tục của vòng xoáy thị trường và thị hiếu người tiêu dùng. Sự lớn mạnh của Ladoda là minh chứng sinh động khẳng định sự chèo lái tài tình của Ban lãnh đạo, mà đứng đầu là Chủ tịch HĐQT Đinh Quang Bào, người đàn ông nghị lực này không chỉ gắn bó nghề may da mà ở cái tuổi được gọi là “cụ”, trong khi nhiều người cùng trang lứa đã nghỉ ngơi, hưởng thụ tuổi già thì ông vẫn cháy bỏng đam mê, khát khao cống hiến và không ngừng học hỏi, truyền cả đam mê, nhiệt huyết sang các thế hệ con cháu. |
Để có thành công hôm nay, ông Bào cùng con cháu và cộng sự đã phải đổ biết bao công sức, mồ hôi và nước mắt mới có được. Ông nhớ lại: Hai năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, kinh tế thế giới, đất nước còn suy giảm chứ nói gì đến các doanh nghiệp như ông. Doanh nghiệp nhỏ vốn ít thiệt hại ít và dễ có cơ hội hồi phục. Còn doanh nghiệp lớn như Ladoda cũng phải lao đao, chếnh choáng. Sức tiêu thụ giảm, thị trường thu hẹp, giá cả nguyên vật liệu tăng cao, việc nhập nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất cũng phải căn cơ, cân nhắc lắm. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước, Công ty đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, thực hiện tốt quy định 5K và tiến hành phun khử khuẩn nơi làm việc; trang bị khẩu trang, nước sát khuẩn, máy đo thân nhiệt, hằng ngày kiểm tra công nhân trước khi vào ca sản xuất. Ông Bào còn bàn với Ban Giám đốc Công ty thực hiện phương án “3 tại chỗ” là ăn nghỉ, làm việc tại Công ty, bảo đảm tuyệt đối an toàn sản xuất. Phối hợp với chính quyền địa phương test và tiêm vắc xin phòng ngừa Covid-19 để người lao động yên tâm làm việc. |
Ông Bào chia sẻ: Chi phí cho việc “3 tại chỗ” là rất lớn, do phải bố trí thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị, phục vụ ăn, ngủ, nghỉ của công nhân lên đến 300 triệu đồng. Nhưng không thể không làm, tất cả để “Sản xuất phải an toàn và an toàn để sản xuất”. Khi Thủ đô Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, tại trụ sở chính ở Thủ đô và Nhà máy sản xuất tại tỉnh Hưng Yên, các phân xưởng sản xuất cũng phải sắp xếp phù hợp, thực hiện cắt giảm quân số, đi làm luân phiên và đáp ứng các quy định về phòng chống dịch. Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, ông Bào nhắc nhở mỗi tập thể, cá nhân trong doanh nghiệp luôn quán triệt tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, không chủ quan, lơ là trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh; luôn phát huy cao độ tinh thần phòng chống dịch, thực hiện sát khuẩn tay trước và sau khi vào làm việc, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách suốt thời gian làm việc tại Công ty. Khởi nghiệp ở tuổi cao niên Doanh nhân Đinh Quang Bào mồ côi cả cha lẫn mẹ từ khi còn nhỏ. Song với tính quyết đoán, mạnh mẽ và đầy nghị lực, ông đã tự kiếm tiền, học nghề và làm thợ tại một cửa hàng may da. Nhưng chỉ được vài năm thì cơ sở may giải thể. Lúc này, ông được bầu làm Trưởng ban Đại biểu thanh niên khu phố. Sẵn có nghề may, ông cùng cộng sự thành lập được tổ may quân nhu, phát triển dần thành mô hình hợp tác xã. Đến năm 1963, ông trở thành cán bộ cốt cán của ngành tiểu thủ công nghiệp Hà Nội cho đến khi nghỉ hưu. Về theo chế độ Nhà nước, nhưng đam mê lại thôi thúc ông, không cho ông ngừng nghỉ. Được sự cổ vũ, hỗ trợ của người thân và bạn bè đồng nghiệp cũ, ông Bào quyết định thành lập doanh nghiệp, bắt đầu khởi nghiệp khi đã là người cao tuổi. |
Ông Bào chia sẻ: Với số vốn ban đầu ít ỏi, chỉ 40 triệu đồng, tôi mua 3 chiếc máy khâu, làm việc ngay tại nhà riêng, nhân sự cũng chỉ có vài người. Khi ấy, ở quê ông, vì nhiều lí do khác nhau, nghề da cũng dần mai một và có nguy cơ thất truyền. Đau đáu đêm ngày với nghề truyền thống quê hương, ông trăn trở tìm hướng đi cho mình và giữ nghề. Từ một xưởng sản xuất nhỏ, ông từng bước giới thiệu sản phẩm ra những người thân, bạn bè và đối tác, mở rộng thị trường. Khi đã có những hợp đồng lớn đầu tiên, ông tổ chức tập trung sản xuất, tuyển thêm lao động, mở các khóa đào tạo nghề cho công nhân. Từ dãy nhà cấp 4 ban đầu, xưởng sản xuất dần được mở mang, xây lên 2 đến 3 tầng. Công việc thuận lợi, các đơn hàng ngày càng nhiều hơn, số lượng công nhân được tuyển dụng lên đến gần 400 người. Ông làm việc với chính quyền địa phương xin được 3ha đất ở Hưng Yên và năm 2003 tiến hành xây dựng xây dựng nhà máy. Tính từ ngày thành lập đến nay, ông Bào đã tuyển dụng và đào tạo 50 khóa công nhân, tạo việc làm cho rất nhiều người dân quê hương Kiêu Kỵ và các vùng lân cận. Và đặc biệt hơn, ông đã đóng góp tích cực phục hồi nghề truyền thống của quê hương, lan tỏa ra nhiều gia đình khác. Ngoài việc quan tâm đến đời sống, đến chế độ của người lao động như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, công ty còn dành hơn hàng nghìn mét vuông đất để xây nhà cho công nhân ở miễn phí; tăng 5% lương tháng cho lao động nữ so với đồng nghiệp nam cùng cấp. Lao động trong doanh nghiệp của ông đều được tính thâm niên, khen thưởng, nghỉ phép, chế độ thai sản... theo chế độ hiện hành. Với uy tín, kinh nghiệm và sự đóng góp thiết thực, ông được người lao động Công ty yêu mến, kính trọng, người dân địa phương tin tưởng bầu làm đại biểu HĐND huyện 3 khóa liên tiếp. |
Tâm huyết với thương hiệu và chất lượng sản phẩm, ông Bào luôn xác định phương châm “chậm mà chắc”, lấy chữ tín làm đầu nên các sản phẩm của Ladoda luôn bền, đẹp. Ngay từ những ngày đầu, ông Bào luôn xác định chất lượng là sự sống còn của doanh nghiệp. Với phương châm đó, đến nay, thương hiệu Ladoda không chỉ được người tiêu dùng trong nước yêu mến mà đã từng bước chinh phục cả thị trường quốc tế. Sản phẩm của công ty được sản xuất theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2008 từ năm 2001 và 20 năm liên tục được người tiêu dùng bình chọn là “Hàng Việt Nam chất lượng cao”... Trong nhiều năm qua, sản phẩm của công ty được phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc, Quốc hội, các hội nghị, hội thảo quốc tế và hội nghị ASEAN 17. Thị trường của Ladoda lan rộng, chinh phục từ châu Á sang các thị trường khó tính ở Châu Âu và Hoa Kỳ… Chia sẻ bí quyết khởi nghiệp thành công, ông Bào cho rằng, làm bất cứ nghề gì cũng phải đam mê và tâm huyết. Quá trình khởi nghiệp không tránh khỏi thất bại, nhưng “thất bại là mẹ thành công” nên phải rút ra bài học sau mỗi lần vấp ngã. Thứ nữa là phải hết sức kiên trì, nhẫn nại. Và đáng mừng, đến nay 4 trong 5 người con của ông đam mê và theo nghề da của bố. Ông thường nhắc nhở các con và những người lao động quanh mình: Cần phải biết chia sẻ, giúp đỡ người khác, nhất là những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Và ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, ông vẫn đem kinh nghiệm, nhiệt huyết, đam mê truyền lại cho con cháu và không ngừng đóng góp vào các chương trình từ thiện ở trung ương và địa phương, mỗi năm vài trăm triệu đồng. |
Bài và ảnh: Thanh Hà |