Cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc ở Nam Cực đang “nóng” lên
Quốc tế 02/04/2024 15:58
Bà Buchanan cho rằng, cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc ở Nam Cực sẽ đánh dấu sự chấm dứt một thời kì dài mà lục địa này là nơi hợp tác quốc tế. Hiệp ước Nam Cực, có hiệu lực vào năm 1961, cấm sử dụng lục địa này cho mục đích quân sự và thay vào đó ủng hộ hợp tác khoa học. Một loạt các thỏa thuận tiếp theo, được gọi là Hệ thống Hiệp ước Nam Cực, đã thành công trong việc bảo đảm lục địa này là một địa điểm quốc tế trung lập. Nhưng hệ thống hiện đang chịu áp lực lớn hơn bao giờ hết.
Tàu nghiên cứu hải dương học Vladimirsky của Nga từng được triển khai tới Nam Cực. |
Nam Cực có khả năng trở thành tuyến đường tới Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Nơi đây cũng có trữ lượng lớn các khoáng sản quý, dầu và khí đốt tự nhiên cũng như triển vọng nghề cá lớn. Các nhà quan sát thường đưa ra những điểm tương đồng giữa Nam Cực và Bắc Cực. Hai khu vực có bề mặt tương tự nhau, nơi tận cùng của trái đất với khí hậu lạnh giá và được các quốc gia như Trung Quốc, Nga và Mỹ quan tâm. Tuy nhiên, điều quan trọng là các khu vực được quản lí khác nhau: Bắc Cực không có hệ thống hiệp ước, trong khi Nam Cực lại có. Về mặt địa lí, Bắc Cực là lãnh thổ hàng hải, trong khi Nam Cực là lục địa rộng lớn.
Ở Nam Cực, ngoài mục đích khoa học, hoạt động quân sự và thử nghiệm vũ khí hạt nhân đều bị cấm trên lục địa này. Các bên tham gia hiệp ước được quyền tiếp cận công bằng thông qua các trạm nghiên cứu của họ. Các quy tắc được thiết lập ở Nam Cực phần lớn đã thành công trong việc giữ cho lục địa này cách li khỏi những căng thẳng địa chính trị.
Mặc dù Hệ thống Hiệp ước Nam Cực đã giữ cho khu vực ổn định trong nhiều thập kỉ, nhưng cuộc cạnh tranh địa chính trị mới giữa các cường quốc đang gây ra sự bất ổn mới cho Nam Cực khi một số quốc gia tìm cách thay đổi hệ thống đó. Ví dụ, Trung Quốc đã xây dựng trạm nghiên cứu mới mà không gửi các đánh giá môi trường cần thiết cho các thành viên tham gia hiệp ước theo quy định.
Khi ranh giới giữa nghiên cứu khoa học và hoạt động quân sự trở nên mờ nhạt, các hoạt động diễn ra trong "vùng xám" này đang bắt đầu làm xói mòn hiện trạng hòa bình đã tồn tại từ lâu ở Nam Cực. Các nguồn tài nguyên khổng lồ như thủy sản, năng lượng và nước ngọt không thuộc về riêng một quốc gia nào, vì vậy các quốc gia đang tìm cách cải thiện vị thế thông qua việc tạo dựng chỗ đứng trong nghiên cứu khoa học.
Mặc dù Hiệp ước Nam Cực cấm quân sự hóa hoặc triển khai quân sự, nhưng nhân viên quân sự và thiết bị quân sự được phép chuyển đến nếu hỗ trợ các mục tiêu nghiên cứu khoa học. Nhiều quốc gia dựa vào quân đội của họ để hoạt động ở Nam Cực. Argentina, Australia, New Zealand, Anh và Mỹ đều triển khai trang thiết bị quân sự và nhân sự trong các chuyến thám hiểm nghiên cứu Nam Cực. Quân đội Trung Quốc và Nga cũng cung cấp hỗ trợ hậu cần cho một số sứ mệnh của họ ở Nam Cực.
Chuyên gia Buchanan kết luận, các hoạt động này nằm trong giới hạn của Hệ thống Hiệp ước Nam Cực, nhưng sự mơ hồ của nó tạo ra những tác động an ninh. Khó xác định được nhân viên đang tiến hành các hoạt động dân sự hay quân sự. Vệ tinh là một ví dụ rõ ràng: Các hệ thống như GPS của Mỹ, BeiDou của Trung Quốc, Galileo của EU và GLONASS của Nga đều dựa vào các trạm thu mặt đất ở Nam Cực để hoạt động. Mặc dù các hệ thống này là trọng tâm của nghiên cứu khoa học ở Nam Cực nhưng chúng cũng có những ứng dụng an ninh quân sự rõ ràng…