Cổ phần hóa doanh nghiệp chậm, nguyên nhân - trách nhiệm?
Kinh tế 15/08/2019 09:58
Cổ phần hóa “nhỏ giọt”
Theo Bộ Tài chính, từ đầu năm đến nay, cả nước chỉ CPH được 6 doanh nghiệp. Lũy kế đến hết quý II/2019, mới có 35/127 doanh nghiệp CPH thuộc danh mục phải CPH theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN.
Như vậy, tiến độ CPH các doanh nghiệp chưa đạt được kế hoạch đề ra, còn tới 92 doanh nghiệp chưa CPH (bằng 72% kế hoạch chưa thực hiện).
Về thoái vốn, theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2019 thực hiện thoái vốn tại 62 doanh nghiệp. Tính đến hết quý II/2019, có 9 doanh nghiệp thực hiện thoái vốn với giá trị 759 tỉ đồng, thu về 1.657 tỉ đồng.
Lũy kế từ năm 2017 đến hết quý II/2019, cả nước đã thoái 3.785 tỉ đồng, thu về 110.392 tỉ đồng.
Về thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp ngoài Quyết định số 1232/QĐ-TTg, lũy kế từ năm 2017 đến hết quý II/2019, cả nước đã thoái 3.785 tỉ đồng, thu về 110.392 tỉ đồng.
Tính đến hết quý II/2019, các tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thoái vốn với tổng giá 1.333 tỉ đồng, thu về 2.174 tỉ đồng.
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) khẳng định cơ chế chính sách đã ban hành đầy đủ và liên tục được bổ sung điều chỉnh. Việc thoái vốn, CPH, niêm yết trên thị trường chứng khoán hay chuyển giao về SCIC chậm là do một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch CPH, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo.
Đâu là nguyên nhân?
Bên cạnh sự lúng túng của doanh nghiệp thì việc nhà đầu tư không mấy mặn mà với cổ phần các doanh nghiệp chào bán được xem là những nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Nguyên nhân tiếp là do nhiều doanh nghiệp CPH, thoái vốn trong giai đoạn này là doanh nghiệp có quy mô lớn, phức tạp về tài chính, đất đai nhiều, phạm vi hoạt động rộng nên việc xử lí tài chính, phê duyệt phương án sử dụng đất, xác định giá trị doanh nghiệp, bán cổ phần lần đầu gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài. Bên cạnh đó, một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước chưa nghiêm túc, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện; còn hiện tượng không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, viện dẫn vào các khó khăn vướng mắc để chậm hoặc không thực hiện.
Một nguyên nhân không thể không nhắc đến dẫn đến là việc tổ chức thực hiện, từ sự phối hợp của các cơ quan hữu quan trong việc sắp xếp, xử lí các cơ sở nhà đất chưa tốt, kéo dài, nhiều thủ tục hành chính làm cho người đi đăng kí sắp xếp lại đất đai nản, thời gian kéo dài.
Thậm chí tại nhiều địa phương có tình trạng DN chây ỳ CPH nên “mượn cớ” vướng mắc để hỏi cơ chế, chính sách...
Ai phải chịu trách nhiệm?
Tại phiên họp của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp nhằm đánh giá tình hình sắp xếp, CPH, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2019, bàn nhiệm vụ, giải pháp từ nay đến hết năm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng “đất có đai nên ai cũng ngại”, việc xử lí tài chính thời gian kéo dài, khó khăn, còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, lòng vòng, hỏi đi hỏi lại. Thẳng thắn phê bình Bộ Tài chính khi “không nhúc nhích”, “giậm chân tại chỗ” trong việc rà soát các văn bản pháp luật liên quan, đặc biệt là Nghị định 20/NĐ-CP về giao dịch liên kết, theo Phó Thủ tướng, phải xem xét trách nhiệm của Bộ trong sửa đổi Nghị định 20, Bộ Tư pháp có trách nhiệm xem việc ban hành nghị định này đúng hay sai, doanh nghiệp kêu đã nhiều năm. “Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Ban Chỉ đạo có văn bản đôn đốc bao lần vẫn lờ đi, tiến độ chậm”, Phó Thủ tướng nói.
Chỉ rõ hàng loạt nghị định, văn bản Bộ Tài chính chậm thực hiện rà soát, xây dựng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phê bình Bộ Tài chính thiếu bám sát, trong đó có vấn đề xử lí trách nhiệm của việc chậm công bố thông tin.
Phó Thủ tướng cũng nhắc trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát các quy định liên quan đến việc phê duyệt phương án sử dụng đất của các doanh nghiệp CPH để chủ động tháo gỡ các vướng mắc theo thẩm quyền; ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định 126/2017/NĐ-CP (về chuyển doanh nghiệp Nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần) theo đúng quy định.
Đối với việc CPH, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, Phó Thủ tướng nhắc đến tinh thần cẩn trọng, cẩn thận là đúng, tuy nhiên “Chính phủ và Thủ tướng muốn đúng nhưng phải nhanh, đúng mà để chậm không dám làm, ách tắc, trì trệ là không được, sai lại càng không được”.
Mới đây Quốc hội đã có nghị quyết yêu cầu Chính phủ phải có báo cáo về xử lí trách nhiệm người đứng đầu trong vấn đề thất thoát, chậm CPH. Và theo chương trình hành động của Chính phủ thì Bộ Nội vụ sẽ là người cầm cân nảy mực trong việc công bố các trường hợp vi phạm cần xử lí.