Có cơ sở và đúng pháp luật khi khởi tố vụ án
Pháp luật - Bạn đọc 01/08/2024 10:36
Theo đó, ngày 22/1/2021, bà Nguyễn Thị Ch, 74 tuổi, trú phường Long Xuyên, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương đến Công an thị xã Kinh Môn trình báo về việc bị mất trộm vàng. Theo bà Ch, ngày 16/12/2020, bà phát hiện bị mất 6 cây vàng đựng trong hộp cau khô (trong hộp có 10 cây vàng) được đặt dưới chân bàn thờ. Trước đó, vào tháng 5/2020, bà Ch cũng bị mất trộm 2 cây vàng cất trong tủ quần áo.
Quá trình điều tra ban đầu, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Kinh Môn xác định, hiện trường xảy ra các lần trộm cắp không có dấu hiệu bị cậy phá khóa, phá cửa hoặc đột nhập từ mái nhà. Vụ án trên mất nhiều thời gian do có nhiều tình tiết phức tạp, sau khi xác định đủ căn cứ, đến thời điểm này, cơ quan Công an mới tiến hành khởi tố vụ án để điều tra.
Dưới góc độ pháp lí, TS. luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, cơ quan tố tụng đánh giá đây là một vụ án phức tạp, vì liên quan đến việc thu thập chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội và người phạm tội.
Bà Nguyễn Thị Ch trình báo về việc bị mất trộm vàng. |
Về mặt lí luận chung, quá trình tố tụng hình sự sẽ diễn ra theo quy trình: Khởi tố, điều tra, truy tố xét xử và thi hành án.
Theo đó, quá trình khởi tố là giai đoạn đầu tiên. Giai đoạn này, được gọi là giai đoạn xác minh tin báo. Pháp luật quy định khi tiếp nhận nguồn tin về tội phạm, nhận được đơn thư trình báo tố cáo, tố giác tội phạm, cơ quan điều tra nhận thấy sự việc có dấu hiệu tội phạm sẽ tiến hành thụ lí tin báo và thông báo cho Viện KSND. Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ tiến hành xác minh tin báo. Giai đoạn này được gọi là khởi tố, cơ quan điều tra sẽ tiến hành xác minh, quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự trong thời hạn luật định.
Cụ thể, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày tiếp nhận tin báo, cơ quan điều tra tiến hành xác minh và phải có quyết định khởi tố, hoặc không khởi tố trong vòng 20 ngày.
Nếu vụ việc phức tạp có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 2 tháng. Thông tư liên tịch có quy định nếu hết thời hạn nói trên vẫn chưa có kết quả thì Viện KSND có thể gia hạn một lần nữa, nhưng không quá hai tháng. Đây là thời hạn tối đa theo luật hiện nay kể cả thời gian gia hạn tổng cộng không quá 4 tháng phải có quyết định khởi tố hoặc không khởi tố.
Tuy nhiên, quy định của pháp luật cũng quy định trong quá trình đó nếu cơ quan tiến hành tố tụng mà tạm đình chỉ xác minh do chờ kết quả trả lời giám định, hoặc kết quả xác minh một thông tin nào đó theo quy định của pháp luật hoặc khi có căn cứ theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, cơ quan chức năng có thể tạm đình chỉ xác minh và thời hạn tạm đình chỉ xác minh không tính vào thời gian xác minh tin báo.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, với quy định pháp luật hiện nay, có các mốc thời gian là 20 ngày, 2 tháng và 4 tháng là những mốc tối đa. Bên cạnh đó, luật còn quy định có thể tạm đình chỉ và thời gian tạm đình chỉ không tính được vào thời hạn.
Có thể thấy, với quy định hiện nay có thể đến 5 năm, thậm chí đến 10 năm cơ quan điều tra chưa ra được quyết định khởi tố hình sự hoặc quyết định không khởi tố thì vẫn đúng luật. Đây là vấn đề tới đây các cơ quan lập pháp cũng nên có những sửa đổi cho phù hợp hơn.
Với pháp luật hiện hành, sau 4 năm mới ra quyết định khởi tố, là chuyện hoàn toàn có thể có căn cứ theo quy định của pháp luật.
Căn cứ là thời hạn xác minh tin báo, trong đó pháp luật “chèn” vào một khoảng thời gian không xác định đó là khoảng thời gian tạm đình chỉ. Bởi vậy, nếu có khiếu nại về thời hạn này, cơ điều tra phải chứng minh rằng đã có việc tạm đình chỉ và có căn cứ để tạm đình chỉ trong thời hạn 4 năm, còn nếu không thì không quá 4 tháng phải khởi tố.
Liên quan đến thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong vụ án này người bị hại tố giác tội phạm về sự việc bị trộm cắp 8 cây vàng, số tiền tương đương với khoảng hơn 400 triệu đồng. Với số vàng trên, đối tượng trộm cắp sẽ phải đối mặt với hình phạt rất nghiêm trọng có thể lên đến 15 năm tù.
Các tội này được quy định tại Điều 9 Bộ luật Hình sự như: ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Điều 27 Bộ luật Hình sự quy định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 5 năm đối với tội ít nghiêm trọng, 10 năm đối với tội nghiêm trọng, 15 năm đối với tội rất nghiêm trọng và 20 năm đối với tội đặc biệt nghiêm trọng.
Từ khi vụ trộm xảy ra cho đến khi khởi tố là gần 4 năm nên vẫn còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Với hành vi trộm cắp và với tài sản lên đến hơn 400.000.000 đồng, thời hiệu truy cứu là trong thời hạn 15 năm.
“Trong thời hạn 15 năm, bất kì khi nào cơ quan điều tra có đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự thì cũng sẽ khởi tố vụ án để xử lí người vi phạm, trường hợp hết thời hiệu truy cứu mới phát hiện ra thì sẽ không khởi tố.
Căn cứ vào quy định về thời hạn xác minh tin báo, căn cứ vào quy định về việc tạm đình chỉ xác minh tin báo, căn cứ vào thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 9 và Điều 27 Bộ luật Hình sự thì cơ quan điều tra khởi tố sau 4 năm xác minh về mặt pháp lí vẫn đúng pháp luật khi khởi tố vụ án”, luật sư Đặng Văn Cường nêu.
Tuy nhiên, sự việc này kéo dài cũng ảnh hưởng tới quyền lợi của đương sự. Điều đáng chú ý, đến nay cơ quan điều tra mới chỉ khởi tố vụ án hình sự, chưa xác định được đối tượng nào thực hiện hành vi nên chưa có quyết định khởi tố bị can. Chính vì vậy, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ bị can, đối tượng nào đã thực hiện hành vi và đối tượng này có đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự hay không.
Nếu trong trường hợp xác định đối tượng lấy trộm chưa đủ 14 tuổi, vụ án sẽ được tạm đình chỉ. Bởi, đối tượng chưa đủ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự, hoặc đối tượng lấy trộm tài sản đó bị mắc bệnh tâm thần, mất khả năng nhận thức thì vụ án cũng sẽ không có bị can, sẽ bị đình chỉ.
Xác định đối tượng nào trộm cắp và hành vi đó có thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm hay không thì cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ, xử lí theo quy định của pháp luật.