Chuyện về ông Hải “hiến tạng”
Tuổi cao gương sáng 28/06/2024 09:53
Ông Trịnh Văn Hải cùng vợ con và 2 con gái đều tự nguyện hiến tạng |
Về tại khối phố 8, phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh, nhắc đến tên ông Hải “hiến tạng” không ai là không biết, bởi điều đặc biệt không chỉ cá nhân ông mà cả gia đình gồm 4 thành viên đều đăng ký hiến tặng mô, tạng cho y học sau khi qua đời.
Gia đình ông Trịnh Văn Hải là gia đình duy nhất trên địa bàn Hà Tĩnh mà cả 4 thành viên đều đăng ký hiến tạng cho y học sau khi qua đời. Câu chuyện đẹp đẽ này đã lan tỏa và được người dân trên địa bàn đặt cho ông biệt danh đầy thân thương - ông Hải “hiến tạng”.
Năm 2015, ông Hải vô tình xem được lời kêu gọi hiến tạng trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam, như “giác ngộ” được chân ái của cuộc đời, bản thân ông hiểu rằng khi mình chết đi vẫn có thể duy trì sự sống cho ai đó thì thật ý nghĩa.
“Lúc đó, khi nghe thông tin cả nước có hàng chục nghìn người đang cần ghép mô, tạng duy trì sự sống, song chưa thể thực hiện được vì không có đủ nguồn mô, tạng để ghép. Thời điểm đó nguồn mô, tạng cấy ghép cho người bệnh chủ yếu nhận được từ người đang sống, người thân còn nguồn tạng từ người cho vì chết não rất ít… Tôi nghĩ nếu như khi mình chết đi vẫn có thể duy trì sự sống cho ai đó thì thật ý nghĩa”, ông Hải nhớ lại.
Từ những thông tin từ chương trình, ông Hải đã ghi lại địa chỉ, số điện thoại để đăng ký hiến tạng sau khi qua đời. Không chút đắn đo, ông đã liên hệ tới số điện thoại của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia để đăng ký hiến tạng.
Qua điện thoại, ông được tư vấn viên giới thiệu chi tiết quy trình và các thủ tục dành cho người đăng ký tình nguyện hiến tạng vì mục đích nhân đạo. Sau đó, các giấy tờ thông tin được trung tâm gửi về tận gia đình.“Cầm tờ đơn đăng ký trong tay, tôi đã điền thông tin và ký luôn không do dự, bởi bản thân tôi nghĩ khi con người mất đi đều trở về với cát bụi, vậy thì tại sao không để lại một bộ phận nào đó để giúp ích cho người khác, cái chết của mình cũng ý nghĩa hơn”, ông Hải cho biết thêm.
Trong tờ đơn đăng ký hiến tạng có 12 ô khác nhau tương ứng với 12 bộ phận cơ thể sẽ hiến tặng sau khi qua đời như xương, tủy, da, thận, gan, giác mạc... Đọc hết toàn bộ, ông mạnh dạn đánh dấu tất cả những gì có thể lấy được cho y học với mong muốn tiếp nối sự sống cho những người khác nếu có thể.
Sau khi đăng ký hiến tạng thành công, ông Hải tâm sự mong muốn tốt đẹp của mình với vợ con và đã được cả gia đình ủng hộ. Năm 2017, bà Vũ Thị Lụa, vợ ông Hải cùng hai con gái là Trịnh Vũ Thu Hà và Trịnh Vũ Ngân Hà cũng ký vào đơn tự nguyện hiến tạng sau khi qua đời.
Khi biết tin gia đình ông Hải đăng ký hiến tạng, bà con lối xóm cũng có nhiều ý kiến bàn luận, song với gia đình ông đó không phải hành động bộc phát mà là kế hoạch đã ấp ủ và sự đồng thuận của cả gia đình. Để đi tới quyết định đầy nhân văn này, bốn thành viên trong gia đình đã vượt qua quan niệm “chết toàn thây” của dân gian và “lời ra tiếng vào” của không ít hàng xóm.
“Khi cầm tấm thẻ hiến tạng trên tay, vợ chồng chúng tôi đều cảm thấy mãn nguyện vì biết bản thân đã quyết định đúng. Gia đình chúng tôi đã nghĩ “thoáng” hơn về cái chết – điều mà bất cứ ai cũng không thể tránh khỏi. Thế nên việc sau khi chết đi mà vẫn giúp được cho người khác là điều rất đáng quý, rất nên làm. Đó là nghĩa cử nhân văn, cần lan tỏa ra cộng đồng”, bà Lụa nói.
Kể từ khi đăng ký hiến tạng, vợ chồng ông Hải luôn dặn các con mang theo thẻ bên người cùng các giấy tờ tùy thân quan trọng khác. Bởi chiếc thẻ này sẽ giúp đơn vị cấp cứu nhận diện người đã đăng ký hiến tạng khi gặp sự cố nguy hiểm đến tính mạng. Họ sẽ thông báo cho đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người đến tiếp nhận, tiến hành các thủ tục cần thiết để ghép tạng cho người bệnh càng sớm càng tốt.
Không chỉ vậy, ông Hải còn dạy các con có ý thức và rèn thói quen ăn uống lành mạnh, thường xuyên tập luyện thể thao, tránh xa các đồ uống kích thích, có cồn. Những thói quen này vừa giúp các thành viên nâng cao sức khỏe và để đảm bảo các mô, tạng đều ở thể trạng tốt trước khi hiến tặng.
Lâu dần, câu chuyện hiến tạng của gia đình ông Hải đã được lan tỏa mạnh mẽ đến nhiều gia đình, bạn bè và bà con lối xóm, đặc biệt câu chuyện của gia đình ông đã góp phần chiến thắng những định kiến, tư duy cũ về cái chết.
Theo ông, sai lầm của nhiều người cứ nghĩ hiến tạng là y học sẽ mổ để lấy luôn. Nhưng thực tế, sau khi người hiến qua đời mới thực hiện việc lấy mô, tạng cho y học. Ngoài ra, không phải cứ đăng ký là hiến được mà bản thân người đăng ký phải đảm bảo sức khỏe thì mới có thể cấy ghép cho người khác.
Ông Phan Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND phường Nam Hà cho biết: “Một gia đình có bốn người cùng đăng ký hiến tạng như gia đình ông Trịnh Văn Hải đến bây giờ vẫn là một điều hiếm có trên địa bàn. Câu chuyện nhân văn của gia đình ông Hải thực sự rất ý nghĩa, chứa đựng tình yêu thương nhân ái trong cuộc sống, tạo động lực góp phần lan tỏa để cộng đồng tham gia đăng ký tình nguyện hiến tạng sau khi qua đời, giúp cho nhiều người có cơ hội được cứu chữa, tiếp tục sự sống”.
Chuyện cả gia đình ông Hải hiến tạng đã lan tỏa đến nhiều người dân trong và ngoài địa bàn |
Câu chuyện hiến tạng cứu người cứ như một phép màu kỳ diệu của cuộc sống, đan xen trong đó là những câu chuyện đầy tính nhân văn về tình cảm gia đình, về tình người. Đặc biệt, sự thành công vượt bậc của y học cùng với những tấm lòng “sẵn sàng cho đi để còn mãi” đã biến những đốm lửa dù phải tắt đi vẫn có thể nhóm lên nhiều ngọn lửa khác, để cho sự sống vẫn cứ tiếp diễn và cây đời vẫn mãi mãi xanh tươi.