Chợ xa cũng hóa nên gần!
Xã hội 14/03/2023 09:54
Chợ lưu động...
Trên đường từ huyện trung du Tiên Phước lên các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam thỉnh thoảng ta thấy những chiếc xe máy đeo quanh yên xe những bao nilon thịt cá, rau củ… Đó được xem như cái “chợ lưu động” mà những “bác tài” hầu hết là phụ nữ trung niên mang hàng đến các ngõ ngách bán. Sáng sớm đã thấy “chợ lưu động” hoạt động. Chạy xe một đoạn là dừng. Dừng là bạn hàng xúm lại. Người hỏi mua cá, kẻ hỏi mua thịt. Người thì lục tung cái thùng xốp chọn bắp su, khổ qua… Chị T.T.B, 56 tuổi, quê xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, miệng nói, tay lấy hàng đưa cho khách.
Đợi vãn khách, tôi gợi chuyện. Chị B kể chồng là thợ xây dựng. Họ có ba người con gái, một đã có gia đình, hai còn đi học. Vợ chồng chị đang nuôi hai cô sinh viên theo học sư phạm và ngoại ngữ ở Đà Nẵng. Với chiếc xe Wave Trung Quốc đã cũ, nhưng nó mang cái chợ theo chị đã hơn 15 năm! Mỗi sáng, từ 4 giờ, chị nhận cá tươi từ Tam Kỳ chở lên. Rau củ thì mỗi chiều đi quanh thôn hỏi mua. Với lại khách hàng ai dặn gì trước thì mình tìm mua mang lên cho họ.
Sáng sớm đã thấy “chợ lưu động” hoạt động |
Hồi đầu tháng 2 vừa rồi, ở xã Trà Nú, cách trung tâm thị trấn Trà My gần 20 cây số, tôi gặp một “chợ lưu động”. Chị H gần 50 tuổi, dừng xe trước cửa quán bán bún bò ven đường, kêu to: “Bà Hệ có lấy rau rác chi không nề! Mau mau tôi đi!”. Ông chồng bà Hệ… nhận lệnh chạy ra, “lục tìm như mất thứ gì” trong các bao nilon treo quanh xe máy… rồi chọn lấy bó hành… Chị H. quê ở xã Tam Xuân, TP Tam Kỳ đi từ nhà lúc 4 giờ rưỡi sáng, thu mua hàng rau, cá, thịt… ở chợ Tam Kỳ, theo xe tải lên Trà My. Đến chợ Trà Đông dừng đó, sang hàng qua xe máy (xe gửi lại nhà dân). Chạy đến đâu bán đó, hầu hết là bạn hàng các quán ăn... Hỏi thu nhập trong ngày, chị H. tròn mắt: “Làm sao biết được cả xe ni bao nhiêu vốn, bán lời bao nhiêu? Bán nợ, có khi vài bữa mới lấy tiền lận!”.
Tôi dừng xe ở thôn 4, xã Tiên Hiệp, huyện Tiên Phước, khi thấy “chợ lưu động” đang… phục vụ khách hàng… Chị P.T.H từng làm công nhân cho một công ty trong Cụm công nghiệp Chợ Được, Thăng Bình, kể: “Công ty không có đơn hàng nên cuối năm vừa rồi tôi lọt vào nhóm… tạm thời nghỉ việc, chờ công ty kêu lại. May mà các chế độ bảo hiểm không bị ảnh hưởng gì. Bà chị dâu bày cho cách làm này để cầm cự qua ngày. Sáng sớm, tôi từ Tiên Cảnh nhận hàng từ Tam Kỳ chở lên. Ngày kiếm cũng được trăm rưỡi, hai trăm nghìn sau khi trừ tiền xăng”.
Chợ lẻ cố định ven đường |
Chợ lẻ...
Không chỉ “chợ lưu động” mà còn các “chợ lẻ” cố định ven đường cũng hoạt động hết công suất. Vài cái thùng xốp, cái chõng tre nép dưới tán cây, tấm bạt thủng lỗ chỗ hoặc chống cây dù che mưa nắng, vài tấm ván kê trên hai cái lốp xe tải đã hỏng là có ngay một cái “chợ lẻ”. “Chợ lẻ” đông chỉ một tiếng thôi! Ai chậm chân là chịu. Người bán cũng hầu hết là nữ. Họ treo hàng quanh xe máy, đến điểm cố định dừng lại là bày ra một ít làm mẫu. Bà con cần mua chi cứ đến! Thịt cá tươi ngon, rau củ tươi xanh không thiếu. Chị H.T.L, 53 tuổi, có thâm niên gần 20 năm với “cái chợ” treo, móc hàng chục bao nilon quanh xe Honda đời 86! Nhà chị ở thị trấn Tiên Kỳ. Người mẹ đơn thân nuôi hai con trai. Một cậu đang làm thợ sửa xe máy ở Đà Nẵng. Một cậu đang học năm thứ hai một trường chuyên nghiệp ở TP Tam Kỳ. Thu nhập đều đặn từ 200 nghìn đến 250 nghìn một ngày, mùa mưa thì ít hơn. “Tôi bán tới ba điểm lận. Mỗi điểm chỉ một tiếng thôi là dọn. Lên trên kia một đoạn lại bày hàng ra bán rồi lại đi. Gần 10 giờ là quay về, mai lại đi tiếp!”, chị cười rồi hỏi tôi: “Anh là nhà báo hả?”. Sao biết hay vậy ta! Hỏi một chị vừa đi “chợ lẻ” ra với ba cái túi nilon… đựng đầy rau, củ, quả. Chị cười xởi lởi: “Tiện lắm chớ anh! Chợ ni bán ngày một, bất kể nắng mưa. Mình đỡ phải đi chợ xa cách đây gần 10 cây số. Có lúc đặt hàng cho họ đem lên”.
Chợ lẻ bên đường bán toàn rau rừng |
Từ Nam Trà My xuống Bắc Trà My cũng gặp cái “chợ lẻ” bên đường bán toàn rau rừng. Bó rau dớn nhỏ 5 nghìn đồng, bó rau dớn lớn 10 nghìn đồng. Không có trả giá chi hết! Xuôi đường xuống Tiên Phước, tôi thấy khá nhiều chợ… trước nhà. “Chợ” trên cái bàn nhựa, “chợ” trên thùng xốp, “chợ” dưới hiên nhà. Một cái thau nhôm đựng ốc suối, một cái rổ nhựa đựng mấy bó rau dớn. “Chợ cá” trước hiên nhà, nào cá lóc, cá trắm cỏ, cá diêu hồng… bơi tung tăng trong thau. Người bán, cô gái ngoài ba mươi tuổi… đang thản nhiên ngồi vạch áo cho con bú. Ai cần mua loại cá nào cứ ghé vào, thoải mái chọn! Người bán rất ung dung, thảnh thơi cứ như… đạp mây từ trên trời xuống đất dạo chơi! Tôi chợt nhớ có vài vùng nông thôn ở Frankfurt (CHLB Đức), Hà Lan mình từng đi qua. Trước nhiều ngôi nhà, cửa im ỉm đóng, cũng có đặt cái bàn, trên ấy có rổ trứng gà hoặc rổ dâu, rổ táo… Ai cần mua thì cứ lấy đi rồi để tiền lại đó cho chủ nhân. Dễ thương ghê!
Vượt khó thoát nghèo
Những “chợ lưu động”, “chợ lẻ”… phục vụ tận nơi, quả là tiện lợi cho những người nội trợ. Chẳng cần phải đi chợ huyện, chợ xã cho xa. Gặp chi mua nấy còn không thì dặn trước. Các bà nội trợ ở vùng sâu, vùng xa chẳng phải… lo xa nữa! Chưa kể còn được mua nợ ít hôm mới trả. Những người mang “cái chợ” đi phục vụ thượng đế cũng chẳng phải lo đăng kí môn bài, đóng lệ phí chợ,... Cứ trên xe máy chở hàng mà bon bon về những vùng quê yên tĩnh, hít lấy khí trời, giao du bạn hàng… Chiều trở về, sao lại chạy xe không? Tranh thủ mua đồ phế liệu hoặc vào các vườn nhà dân hỏi mua cau, chuối về dưới xuôi bán lại. Cộng thêm thu nhập, lo cho con ăn học… phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững!