Chiếc nhẫn
Truyện ngắn 25/10/2019 09:34
Mỗi lần ra bến xem các chú bộ đội luyện tập. Hải ước ao sau này lớn lên được lái xe chở những khoang thuyền hạ xuống bến sông. Hoặc là được lái ca nô đi ghép những nhịp cầu nối hai đầu bến. Nhưng có lẽ thích nhất vẫn là được cầm hai chiếc cờ nho nhỏ đứng trên phà để chỉ huy người lái ca nô chở phà vào cập bến. Hải thấy chú bộ đội ấy oai lắm.
Năm 18 tuổi Hải nhập ngũ. Anh may mắn được đưa vào huấn luyện tân binh của lữ đoàn công binh vượt sông ở ngay quê hương anh. Sau đó Hải được cử đi học lái ca nô. Ngày ra trường cũng là ngày giặc Mỹ mở rộng chiến tranh leo thang ra miền Bắc. Đơn vị của Hải bắt đầu dã ngoại về các bến sông để bắc cầu chở phà. Hồi ấy Hải đã chững chạc với cương vị tiểu đội trưởng phụ trách 10 chiếc ca nô. Vậy là ước mơ tuổi thơ của Hải đã thành sự thật. Ở bến sông nào Hải cũng là một tay lái vững vàng. Kỉ niệm với bến sông nhiều lắm, nhất là bến Mễ Sở sông Hồng, anh có biết bao nhiêu kỉ niệm vui buồn ở đó. Hải đã đóng quân ở nhà dân hơn 2 năm bên bến sông ấy. Thế rồi đến năm 1968 đơn vị của Hải được đưa vào ứng cứu cho các bến sông ở khu Bốn. Những ngày ở sông Lam là những ngày Hải và đồng đội phải đương đầu quyết liệt với không quân Mỹ. Ngày ấy, sông Lam như một cái túi khổng lồ để chứa bom đạn của giặc Mỹ. Chiều nào chúng cũng ném bom phá làm tan nát hai bên đầu bến. Đêm đến bom đạn lại bắn phá xuống đầy sông. Trong một đêm Hải và đồng đội làm nhiệm vụ thì máy bay giặc Mỹ đánh trúng con phà của Hải. Anh bị thương nặng phải đưa vào bệnh viện.
Ánh nắng gay gắt ngó qua những phên liếp ở phòng cấp cứu. Hải tỉnh dậy, anh hốt hoảng thấy mình đang nằm trên giường bệnh, toàn thân và trên đầu cuốn đầy những băng trắng. Đau đớn, Hải nằm chìm đi trong giấc ngủ mơ màng. Một lát sau người nữ y tá Thùy Liên bước gần lại rồi nói nhẹ nhàng:
- Anh Hải đã đỡ đau chưa? Ban nãy em sang nhưng anh còn đang phẫu thuật, đầu anh đã lấy được mảnh đạn rồi. Em pha nước cam cho anh nhé!
- Chả ăn gì đâu, xin ca nước. Khát lắm.
Gian phòng im lặng, rồi Liên trở vào đưa ca nước cho Hải:
- Anh khát nước lắm phải không? Vết thương ra nhiều máu vẫn thường thế đấy.
Hải cầm ca nước rồi hỏi người y tá:
- Tôi nằm đây đã lâu chưa? Vết thương trên đầu chắc nặng lắm phải không?
Liên cúi xuống sửa lại chiếc băng trên đầu Hải, rồi khẽ thở dài:
- Tối qua em nghe "trộm" được người ta nói là phà và ca nô của anh trúng bom chìm rồi. Nhiều người đã hi sinh, anh và một vài đồng đội bị thương nặng phải đưa vào đây cấp cứu.
Hải không hỏi thêm được một lời nào nữa, tưởng như tim mình có phút giây ngừng đập. Hải đã khóc và hôm đấy lần đầu tiên phải khóc vì xúc động, phải khóc vì những mất mát đau thương của đồng đội trên bến sông. Từ hôm ấy sáng nào Liên cũng dậy thật sớm chăm sóc Hải chu đáo. Từ ăn uống tắm giặt, thay quần áo Liên không hề ngần ngại. Rồi một đêm năm bảy tốp máy bay giặc Mỹ đến đánh phá bệnh viện. Một số thương binh xuống được hầm, còn Hải phải nằm bất động. Lúc đó không biết Liên từ đâu lao tới, nằm lên che chở vết thương, che chở cuộc sống cho Hải. Anh cứ ngoan ngoãn nằm trong trong vòng tay ấm áp của Liên cho đến hết trận bom. Thế rồi từ đó tình cảm tự nhiên của tuổi trẻ không giấu được ở nụ cười và đôi mắt của nhau. Có lần Liên nói với Hải:
- Ngày chưa vào bộ đội, em có quen mấy anh lính công binh cầu phà ở bến Mễ Sở quê em.
Nhắc đến Mễ Sở, mừng quá Hải quên cả nỗi đau vết thương. Anh ngồi nhổm dậy:
- Mễ Sở sông Hồng phải không? Anh bắc cầu chở phà ở đó hơn hai năm mà sao không biết Liên nhỉ.
Liên nhìn Hải tình tứ rồi lém lỉnh cười:
- Bấy giờ em còn bé. Bé lắm... Mấy anh ơi!
Hôm khuya khuya rồi, Hải nhìn Liên âu yếm dở đùa dở thật:
Giá mà anh được làm rể quê hương Mễ Sở nhỉ?
Liên cũng âu yếm dí ngón tay vào má Hải:
- Thích thì em làm "mối" cho.
Được thể Hải tấn công luôn:
- "Bắn súng không nên thì đền đạn" nhé!
Liên ôm ghì lấy Hải.
- Khôn thế. Chỉ được cái vơ vào.
Nhưng Hải và Liên ở bên nhau ngắn ngủi quá. Vết thương nặng, Hải phải ra Bắc điều trị. Đêm chia tay Liên khóc nức nở. Khi xe chuyển thương lăn bánh, Hải vội trao cho Liên chiếc nhẫn bằng đuya ra máy bay mà anh đã kì công gọt giũa có hai trái tim lồng. Bấy giờ Hải mới nghe thấy tiếng của Liên sẫm lại trong đêm:
- Hải ơi! Đợi em nhé!
Ngày ấy, sau khi chia tay Hải ở bệnh viện, Liên tiếp tục vào sâu trong chiến trường. Vết thương tạm ổn định, Hải tìm về bến sông quê để tìm Liên. Nhưng đã lâu lắm rồi, gia đình không ai nhận được tin tức gì của Liên.
Hơn hai mươi năm sau.
Vết thương tái phát, Hải phải vào bệnh viện ở Hà Nội để điều trị. Vào một buổi chiều bác sĩ Liên đang làm việc ở trong phòng. Phía gần cổng có bệnh nhân đã lớn tuổi ôm đầu lững thững đi. Bỗng ông ta thét lên mấy tiếng, rồi loạng choạng ngã ngất xỉu bên gốc cây. Mấy người vội chạy đến đưa vào phòng cấp cứu. Liên ngồi phòng bên nghe thấy tiếng người hộ lí xúc động:
- Khổ cho bác ấy. Đã thương binh sọ não, con cái chả có, vợ lại mất. Ở một mình lấy ai chăm sóc.
Lát sau người hộ lí vào phòng của Liên:
- Báo cáo chị. Bác ấy tỉnh rồi, nhưng em không làm thế nào cho uống nước cam được.
Liên đứng dậy. Chị từng là nữ cứu thương nhiều năm ở chiến trường, nên có nhiều kinh nghiệm. Chị nhẹ nhàng gọi:
- Bác gì ơi! Dậy uống nước cam nào?
Người đàn ông trở mình quay mặt lại. Liên giật mình thấy vết sẹo trên đầu người bệnh, chị bậm môi cố nhớ lại khuôn mặt "người ấy". Liên chưa kịp nói gì, người đàn ông ngồi dậy đón ca nước cam. Tay anh vô tình chạm vào tay của Liên. Bỗng anh kêu lên:
- Trời ơi! Nhẫn. Chiếc nhẫn.
Người hộ lí tưởng anh lên cơn vội chạy đến. Cô ngỡ ngàng thấy hai người đang âu yếm nắm chặt tay nhau. Tiếng Liên nghẹn ngào:
- Hải ơi! Em đây! Liên ngày xưa của anh đây.
Đúng là "ông trời có mắt ". Ai ngờ chiếc nhẫn ấy lại là cái cầu nối cho Hải và Liên gần gũi yêu thương nhau hơn. Là bác sĩ, Liên biết mình nhiễm chất độc da cam quá nặng không còn khả năng sinh đẻ. Nên ngần ấy năm tuổi xuân chị quyết định đứng vậy, dồn tất cả yêu thương cho bệnh nhân. Gặp lại Hải. Hai người về chung một mái nhà.
Hôm vừa rồi tôi và đồng đội đến dự sinh nhật tuổi 80 của Hải và 75 tuổi của Liên. Hải âu yếm cầm bàn tay của Liên giơ lên cười khà khà khoe với chúng tôi:
- Chiếc nhẫn cưới đấy. Không ngờ bọn tớ lại trao nhẫn cưới cho nhau từ ngày còn ở chiến trường.
Tôi ôm ghì lấy Hải. Liên cười rất vui mà vẫn không giấu được những giọt nước mắt lăn dài trên má.