Châu Phi trở thành tâm điểm trong chiến lược toàn cầu của Nga
Quốc tế 09/01/2024 13:20
Kể từ khi phương Tây bắt đầu cô lập Nga sau khi Moskva sáp nhập Crimea vào năm 2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã củng cố mối quan hệ vốn đã có từ thời Xô Viết với các quốc gia Nam toàn cầu, đặc biệt là ở châu Phi, sử dụng công ty bán quân sự Wagner làm một trong những công cụ gây ảnh hưởng quan trọng.
Sau cái chết của ông Prigozhin, các quan chức tình báo và quốc phòng Nga đã đến châu Phi trong những tháng gần đây để trấn an những đối tác ở khu vực. Cuộc điều tra của RFE/RL phát hiện ra rằng một cựu đặc phái viên của Điện Kremlin tại EU đã được cử đến Cộng hòa Trung Phi (CAR) để giám sát sự phối hợp giữa nhóm lính đánh thuê Wagner và lực lượng an ninh địa phương.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Liên minh châu Phi Azali Assouman. |
Theo các phương tiện truyền thông, quân đội Nga đang thành lập "Quân đoàn châu Phi" để thay thế Wagner và đã đăng quảng cáo tuyển dụng lực lượng, nhưng Bộ Quốc phòng Nga chưa xác nhận kế hoạch đó và không rõ tiến độ của sáng kiến này đến đâu.
Ở cấp độ công khai hơn, Tổng thống Putin đã gặp người đứng đầu 17 quốc gia châu Phi tại hội nghị thượng đỉnh ở St. Petersburg vào tháng 7 năm ngoái. Sự bất ổn ngày càng tăng và tình cảm chống phương Tây, đặc biệt là ở khu vực Sahel, đã giúp Moskva có được ảnh hưởng lớn hơn trên lục địa này, ngay cả khi sự chú ý và nguồn lực của Nga bị tiêu hao bởi cuộc xung đột ở Ukraine.
Joseph Siegle, Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược châu Phi có trụ sở tại Washington cho biết, Nga đã củng cố vị thế của mình tại CAR, Sudan và các quốc gia thuộc Sahel, nơi một loạt cuộc đảo chính đã khiến chính quyền quân sự rơi vào tình trạng khó khăn.
Các quan chức quốc phòng Nga gần đây đã gặp các nhà lãnh đạo chính quyền ở Niger để thảo luận về hợp tác an ninh sau khi chính phủ ra lệnh cho quân đội Pháp rời đi, trở thành quốc gia Sahel thứ ba làm như vậy.
Các chuyên gia cho rằng, sự quan tâm ngày càng tăng của Nga ở châu Phi được thúc đẩy bởi mong muốn mở rộng ảnh hưởng toàn cầu trong bối cảnh mối quan hệ với phương Tây bị rạn nứt do cuộc xung đột ở Ukraine.
Moskva cũng đang tìm cách mở rộng việc bán vũ khí, xây dựng và vận hành các nhà máy điện hạt nhân, đồng thời giành được quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên trên khắp lục địa. Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho châu Phi, chiếm khoảng 40% doanh số bán hàng năm cho lục địa này, điều này mang lại cho Moskva một số đòn bẩy chính trị.
Vũ khí của Nga rất rẻ và Moskva không ràng buộc việc bán vũ khí với vấn đề nhân quyền của một quốc gia, nên được nhiều nước đón nhận. Trước đây, Liên Xô đã ủng hộ các phong trào giành độc lập của châu Phi trong Chiến tranh Lạnh và di sản đó vẫn là một nhân tố mạnh mẽ cho đến ngày nay.
Trong bối cảnh tâm lí chống phương Tây ngày càng gia tăng và lưu ý rằng các quốc gia châu Phi nắm giữ hơn 1/4 số ghế trong Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tăng cường đáng kể sự can dự của mình với châu Phi trong thời gian gần đây. Vào tháng 12/2022, Mỹ đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi lần đầu tiên sau 8 năm, với 49 nguyên thủ quốc gia và chủ tịch Liên minh châu Phi tham dự. Sau đó, Tổng thống Biden cử 17 quan chức cấp cao tới 26 quốc gia trên lục địa, trong đó có Phó Tổng thống Kamala Harris, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen.
Trong những chuyến thăm đó, Mỹ đã công bố viện trợ và đầu tư vào châu Phi lên tới hàng tỉ USD. Tuy nhiên, ông Biden vẫn chưa thực hiện lời hứa với các nhà lãnh đạo châu Phi tại hội nghị thượng đỉnh là sẽ đến thăm lục địa của họ trong năm 2023…