Cây thắt lòng ủ nhựa đợi mùa sang
Truyện ngắn 22/01/2020 08:00
Nhiều chủ đề muốn kể nhưng liệu có thành một bố cục gì không hay lại lan man chẳng đâu vào đâu thì phí công của ông. “Cánh họa sĩ chúng mình nói bằng hình bằng màu, mỗi khi phải dùng đến ngôn từ là y như rằng lúng túng, rất ngại!”.
Lan man nhớ gì kể nấy, nghĩ sao nói vậy mới hay, như thế vừa thật lại vừa tự nhiên. Cũng giống như lúc các ông ngồi vào vẽ, thoạt tiên nào đã biết nên bắt đầu từ đâu, chỉ đến khi đặt những nét thì hình hài bức tranh mới lần lần hiện lên. Vẽ mà biết trước cả rồi thì còn vẽ làm gì, đó là sự sao chép khô cứng.
Nghĩ ngợi hồi lâu ông Hậu lại nói: “Hay ta làm luôn cần gì phải đợi ra giêng. Mình định ra giêng sẽ lẩn lên Sa Pa vẽ vài tháng, trốn đi vẽ là thích nhất. Hãy tưởng tượng dưới kia là con đường đá, đám đông đang náo nức vượt dốc vào chợ. Họ thức dậy từ nửa đêm để sáng là ra tới. Tiếng con gái khúc khích lảnh lót, tiếng vó ngựa gõ móng, tiếng mõ trâu, tiếng lục lạc, tiếng chim sâu, chim sáo… Một vùng âm thanh rộn ràng trôi nổi như muôn vẻ cuộc đời đang vỡ ra”.
Vào khoảng trưa, đỉnh Hoàng Liên Sơn chợt ló ra một thoáng như mơ, như thực. Nó chính là núi mẹ, núi cha của đất nước. Chất thêm thanh củi khô vào lửa, một mình trong xó bếp, ngồi nhấp chung rượu đồng bào, rượu ngô ủ men lá thơm mùi hoa cỏ. Chợt hiểu ra không có trường phái nghệ thuật nào xa lạ với hiện thực mà mọc cánh, tỏa hương. Các nghệ sĩ nói cho cùng, chỉ là những con người lang thang dưới gầm trời này để lắng nghe và đón nhận lấy những âm giai màu sắc, những tinh thần từ xa xăm gửi về, nó như một mật mã đòi hỏi họ phải tìm cách để giải. Không phải là vô lí khi người xưa đã nhìn nghệ thuật là một quyền năng của thần thánh.
Ông nói hay hơn nhà thơ rồi đó. Muốn ông nán lại để cùng ông mở đầu một năm mới. Chả đi đâu mà vội, cứ thong thả cùng nhau nhìn lại một lần quãng đường dài mà ta đã để lại phía sau lưng, như vậy cũng rất ý nghĩa. Ông Hậu nghe phải gật đầu.
Thấy tôi đứng lâu trước bức sơn dầu vừa vẽ xong còn đặt trên giá. Ghé tai tôi ông Hậu nói: “Là Thu Hà Nội đấy! Đỗ Chu nghĩ sao?”. Tôi chỉ thấy lòng đang xôn xao nắng gió của những tháng năm nao nay đã rất xa. Lan tràn trên khắp mặt toan một cách hào phóng là sắc vàng ấm áp hòa trộn lung linh với sắc tím đen huyền. Những nhát bút rộng xổ phạt ngang dọc đầy cảm xúc, tự tin và táo bạo. Không dáng phố xá mà vẫn vang vọng một tiếng gọi thiết tha yêu dấu. Một Hà Nội của riêng Hậu, được tái tạo và bay lên từ hiện thực.
Hà Nội của những lớp người có gốc gác, là sắc màu của họ, là những câu thơ trang sách, là cách cảm cách nghĩ của cả một thời đã đi qua, nhưng sự ngân rung của nó là rất lâu bền.
Ta đi Ngõ Gạch tường đang đục gạn từng giọt nước đánh cầm hơi… Có người bạn ra phố mua bao thuốc chín năm sau mới trở lại nhà, mang ba mươi sáu phố phường đi kháng chiến. Chín năm ròng lòng vẫn nhớ thủ đô… Những phố dài xao xác hơi may…
Trần Lưu Hậu không thể vẽ giống Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên và rất nhiều, rất nhiều những bậc thầy đi trước. Nhưng ông giống họ ở một điểm mà hết thảy ở họ đều có, đó là lòng yêu Hà Nội, niềm hạnh phúc gắn bó với Hà Nội. Nó là cội nguồn, là điểm xuất phát của tình yêu Tổ quốc. Và cũng như họ, ông đã gửi nó, mang nó vào tranh.
Sắp vào Xuân, nhìn hoa lòng người thấy ngán ngẩm vì những cánh hoa nhung tuyết phôi pha. Nhưng bất chấp cứ theo nếp cũ, đã Tết là mỗi nhà phải có một cành đào. Đào chặt cả cây càng tốt. Cũng biết chơi thế là chơi gượng, đã gượng dễ thái quá, mà thái quá là khó coi. Với ai chả vậy, huống hồ là với các họa sĩ những người quen chăm lo đến cái đẹp. Ông Hậu là người yêu đào nay hóa thành người thương đào. Thương một loài cây đang bị người đời săn đuổi, chặt phá không thương tiếc ngoài đồng, trong núi, nghe đâu mò sang cả nước bạn để tìm đào. Chăm cây đào mười năm, pheng tận gốc tha về thành phố chơi mươi ngày rồi quẳng ra đường làm củi, làm rác. Xưa mềm mại thanh cao trong đối đãi, khu xử, trong chơi bời hội hè, mà nay sao hóa ăn xổi ở thì, người như có cơ hóa phũ.
Càng có tuổi Trần Lưu Hậu càng thèm khát những chuyến đi. Ông chờm ra đảo vẽ biển, chờm lên Sa Pa vẽ núi. Muốn sao những nơi ấy đất trời còn khoáng đạt, người còn thuần phác. Ông đến đó là để được sống nốt những năm cuối đời trong yên tĩnh và sạch sẽ, ngày ngày đổ sơn lên toan mà vẽ. Tưởng là để quên tháng, quên năm mà thực ra lại để sống cùng năm tháng, cùng Nhân dân của mình. Giữa cuộc đời rộng lớn ông tìm ra lửa, trong cô đơn đạp lên mọi thách thức, bằng một nội lực ngày càng vững vàng, ông - một họa sĩ chân đất đã bước nhanh đến thềm cao của sự bùng nổ sáng tạo.
Dẹp hẳn sang một bên gọi là trường phái nọ kia, bỏ lại thành phố những cuộc tranh luận vô bổ và vô duyên… Với những chuyến lên đường hào sảng, họa sĩ như hồi sinh trên cả hai phương diện sức khỏe cũng như lao động nghệ thuật. Ông đã kiêu hãnh mang về cho bầu không khí buồn tẻ của đời sống văn nghệ một sự thật đầy thuyết phục. Hay đúng hơn, ông đã mang lại cho chúng ta một chân lí giản dị nhưng không dễ với tới, đó là phòng tranh thấm hơi thở mạnh của thời đại, đủ sức lay động bất kì ai đứng trước nó. Và đó là những giá trị làm nên một Trần Lưu Hậu.
Đây là trường hợp hàm chứa nhiều bí mật thú vị, hiện tượng tiêu biểu chỉ có thể có ở thời kì nước nhà bước vào giai đoạn đổi mới, là minh chứng không thể chối cãi cho những thành tựu của công cuộc đổi mới. Nhìn lại thiết tưởng cũng rất nên cùng nhau tìm hiểu đầu đuôi xem nó ra làm sao.
Con người và tác phẩm Trần Lưu Hậu mà chúng ta muốn tiếp cận là hai mặt không tách rời của một hiện thực nghệ thuật, nói như Thái Bá Vân, nhà phê bình nổi tiếng đã quá cố, bạn cố tri của ông, thì đây là một hiện thực rất nhiều khi không phải là cái mà ta có thể nhìn bằng mắt, mà cần phải biết quan niệm bằng tâm tưởng…
Đó là những ngày tháng không mất đi đâu cả, chẳng qua nó cũng là sự chuẩn bị âm thầm như cái cây thắt lòng ủ nhựa đợi mùa sang. Với ông, thật đơn giản mà sao khó nhọc vậy, đó là những mùa ào ạt đổ màu lên khung vải, hắt nắng gió vào tranh. Thế thôi!