Cây bút vỏ bằng trúc
Truyện ngắn 16/08/2019 09:55
Quan hệ giữa Công ty và Công ty TNHH sản xuất Vật liệu xây dựng Cường Thịnh (thường gọi là công ty Cường Thịnh) là quan hệ kinh doanh thương mại giữa pháp nhân với pháp nhân được thành lập theo luật doanh nghiệp. Các bên đã không tự giải quyết được tranh chấp phát sinh, nguyên đơn là công ty Cường Thịnh, do Trần Cường làm giám đốc. Trong đơn, Trần Cường yêu cầu công ty phải thanh toán toàn bộ số tiền còn nợ phát sinh từ hợp đồng kinh tế. Hội đồng xét xử có nhận định: Căn cứ các chứng cứ có trong hồ sơ và lời khai nhận của các bên đương sự trước tòa có đủ điều kiện xác định công ty còn nợ công ty Cường Thịnh theo đơn là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật, nên yêu cầu này cần được chấp nhận.
Từ khi nhận đơn, Tòa án Nhân dân thành phố giao cho Thẩm phán Đoàn Hoài Thương thụ lí, đã ba lần hòa giải, song không thành.
Trong ba lần hòa giải, Thẩm phán Hoài Thương có linh cảm gì đó ở Trần Cường: không phải từ dáng nhanh nhẹn của người đàn ông đã quá tuổi lục tuần, với mái tóc hoa râm bồng bềnh khuôn nếp, cử chỉ lịch thiệp, chậm rãi, hào hoa mà rọi vào mắt vị Thẩm phán vốn cương nghị, điềm tĩnh.
Về phía Trần Cường, ông cũng có cảm giác khác lạ, đời bươn trải trên thương trường, từ khi còn trẻ và tạo dựng doanh nghiệp cho đến nay ông tiếp xúc với bao con người. Ông linh hoạt, cương trực, ngay thẳng trong công việc bao nhiêu thì trước người phụ nữ trẻ đẹp ông thường buông lơi những lời có cánh. Từ khi gặp vị Thẩm phán trẻ đẹp, với gương mặt dịu dàng thanh tú, câu hỏi và ánh nhìn sắc lạnh làm ông không có cơ hội buông câu thăm dò. Kế hoạch “mềm” của ông bị dập tắt ngay từ lần đầu tiên gặp vị Thẩm phán.
Minh họa Trần Nhương |
Tại phiên tòa, những mâu thuẫn diễn ra trong ba lần hòa giải lại được tiếp tục tranh tụng, rồi cũng đến giai đoạn kết thúc.
…Căn cứ các chứng cứ có trong hồ sơ và lời khai nhận của các bên đương sự trước tòa, có đủ điều kiện xác định công ty còn nợ công ty Cường Thịnh theo đơn là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật, nên yêu cầu này cần được chấp nhận. Xét ý kiến đề nghị miễn giảm lãi và chậm thanh toán nợ của bị đơn: Các ý kiến này không phù hợp với quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho nguyên đơn và không được nguyên đơn đồng ý nên không có cơ sở để chấp nhận.
…Từ những chứng cứ trên… Quyết định!
Công ty phải thanh toán số tiền còn nợ phát sinh từ hợp đồng kinh tế cho công ty Cường Thịnh, bao gồm nợ và lãi phát sinh do chậm thanh toán…
*
* *
Trần Cường hoãn chuyến bay chiều, ông có một quyết định đột ngột sau khi đã thắng kiện trong vụ án kéo dài mấy năm nay qua. Ông tìm đến nhà riêng Thẩm phán Hoài Thương! Ông không đến trả ơn mà đến để xác minh sự áy náy bấy lâu nay, có những nghi vấn cần được làm rõ.
Khi kết thúc phiên hòa giải lần thứ hai, Trần Cường cố tình nán lại, trong phòng làm việc chỉ còn ông và vị Thẩm phán; Hoài Thương niềm nở mời ông ngồi uống nước, thấy thái độ dễ chịu của Hoài Thương, Trần Cường lấy từ cặp một phong bì đã chuẩn bị sẵn 10 tờ mệnh giá 100 đô la đặt trước mặt người đối diện. Hoài Thương uống hết cốc nước lọc, đặt nhẹ cốc nước cạnh phong bì đẩy về phía Trần Cường:
- Thưa ông! Không biết vì lí do gì mà ngay từ lần gặp ông đầu tiên, tôi có linh cảm như sự thân thiện và rất kính trọng ông, xin ông hãy cất chiếc phong bì này đi, để tôi giữ nguyên cảm giác tốt đẹp. Vì kính trọng ông nên mới có cuộc nói chuyện sau buổi làm việc thế này, đây là sự phá lệ duy nhất của tôi.
Trần Cường muốn tìm hiểu đời tư của vị Thẩm phán vì ông linh cảm rất lạ.
Không khó khăn lắm trong việc tìm kiếm, Trần Cường bấm chuông một căn nhà nhỏ trong khu dân cư.
Trần Cường quan sát căn nhà, diện tích khá nhỏ nhưng gọn gàng, ngăn nắp, chủ nhân là người biết sắp đặt đồ đạc trong nhà. Như cố ý muốn đợi chủ nhân, ông vừa gợi chuyện vui vừa gắng tìm kiếm một điều gì đó có mối quan hệ “thân thiện”: gia đình có ban thờ tổ tiên đặt trong phòng khách, qua câu chuyện với cháu gái, ông biết ông bà nội cháu vẫn còn khỏe, đang ở riêng, trên bàn thờ có bát hương sắp chính giữa, phía tay trái bàn thờ có bát hương nhỏ, cạnh đó là bức di ảnh đen trắng của phụ nữ còn rất trẻ, đội mũ mềm rộng vành (kiểu mũ tai bèo), kế bên là tấm bằng TỔ QUỐC GHI CÔNG cũng bạc màu, nét chữ đủ rõ để ông nhận ra họ và tên Đoàn Thị Vi, Đại đội thanh nhiên xung phong XXX, ngày hi sinh: 24/12/… Tấm ảnh người phụ nữ được phục chế, qua thời gian đã phai nhạt. Đập vào mắt Trần Cường là sợi dây vải đeo trên khung tấm ảnh một vật gì đó có hình dáng một cây bút, vật đó bị bám bụi trắng mờ. Một cử chỉ không tự chủ, ông đưa tay với cây bút khỏi khung ảnh, cây bút được tạo ra từ ống trúc.
- Ấy! ông ơi, bảo vật của bà cháu để lại đấy, mẹ bảo không được ai đụng vào, đụng vào đó làm đau lòng ngoại cháu đấy!
- Ông xin lỗi! Nhìn thấy vật này, ông nhớ tới một kỉ niệm.
- Vừa lau qua vỏ cây bút bằng chiếc khăn lau kính, Trần Cường đã nhận ra người trong tấm di ảnh kia là ai, ông đặt lại cây bút vào vị trí cũ, trán ông lấm tấm mồ hôi, không nói thêm được lời nào với cô bé đang đứng nhìn ông với bao điều bí ẩn.
- Vậy ông ngoại cháu đâu?
- Cháu không có ông ngoại.
Một câu chuyện về cả một đời người trong di ảnh được cô cháu ngoại kể về người phụ nữ tên Vi chỉ vẻn vẹn mấy từ ngắn ngủi cùng với kỉ vật là cây bút vỏ bằng trúc đã phần nào khơi dậy trong Trần Cường một cuộc gặp tình cờ gần 50 năm về trước.
Vào một buổi chiều đầu Thu năm 1970, sườn đồi tím lịm màu hoa sim, đan xen những cây thanh hao có mùi thơm hắc, nơi các kí túc xá sinh viên trường đại học được dựng lên bằng tranh tre, nứa lá khai thác từ rừng. Trần Cường vừa hoàn thành vỏ cây bút mà Cường tỉ mỉ cắt, gọt, mài, dũa từ một đoạn trúc tép lấy trong rừng sau một chuyến khai thác về làm lán trại. Với bàn tay khéo léo, vỏ cây bút thật xinh xắn, cả hai phần thân vỏ được lắp vào, mở ra nhẹ nhàng, Cường lấy ruột cây bút hiệu Kimshin lắp vào, ngắm nghía, tự thỏa mãn với tác phẩm của mình. Đang say sưa thì lớp trưởng gọi giật giọng:
- Cường ơi! Lệnh nhập ngũ đây này!
Bỏ cây bút vỏ trúc vào túi áo, không đột ngột với lệnh nhập ngũ, vì qua khám tuyển với kết quả sức khỏe A1, trong thời chiến này việc nhập ngũ tính bằng ngày. Cường cùng 30 thanh niên trong cùng khóa học nhập ngũ. Trần Cường biết còn 3 ngày nữa mới tập trung, đủ thời gian để Cường về qua nhà báo cho gia đình biết và tạm biệt quê hương, người thân.
Cường đã trốn vé chuyến tàu xuôi Hà Nội, vừa lúc có chuyến Hà Nội- Hải Phòng tới sân ga, Cường nhảy tót lên một toa hàng.
Cả khối người đứng như nêm, nếu một người nghiêng thì tất cả đều nghiêng, đang vẩn vơ suy nghĩ miên man, Cường thấy có sự động đậy vào người anh, tay Cường phải vịn vào thành tàu. Trời tối chẳng phân biệt được người đứng trước là đàn ông hay đàn bà. Nhưng sự động đậy ấy đối với Cường có cái gì đó khó tả đối với thanh niên hai mươi tuổi, chưa biết mùi đàn bà; Tàu qua sân ga, ánh đèn đường để Cường nhận ra người đứng trước là một cô gái tuổi chừng mười tám, mười chín.
- Anh xuống ga nào?
- Tôi xuống ga Hải Dương, còn em!
- Vậy là có cơ hội xuống cùng ga rồi.
Tới ga Hải Dương, khoảng 3 giờ sáng, cả hai còn một chặng ô tô nữa mới về đến quê.
Sân ga vắng ngắt, đêm thu mát dịu, Cường dắt tay cô gái đến một gốc bàng và bùng cháy trong cơn khao khát.
Phía đông đã ửng hồng, đến lúc hai động vật khát khao dục vọng kia cũng phải tiếp tục thực hiện bổn phận của phần người, thời khắc ngắn ngủi cũng làm nên quyến luyến. Cô gái đặt vào tay Cường chiếc khăn mùi xoa, trong lúc bối rối chẳng có gì gửi tặng người con gái vừa ân ái, thời buổi chiến tranh ai có nghĩ đến gặp gỡ lần sau, thấy trong túi có cây bút vỏ trúc, Trần Cường đưa cho cô gái, rồi họ chia tay như một sự ngẫu nhiên của cuộc sống gấp gáp thời loạn lạc. Kí ức về lần làm đàn ông đầu tiên cũng chỉ được Trần Cường nhắc lại vài lần khi thêm thắt những chuyện phiếm cùng đồng đội trên đường hành quân, nó bị quên lãng theo năm tháng.
Rời quân ngũ, với vết thương nhẹ trên người, Trần Cường thành lập Công ty Cường Thịnh (mang tên hai vợ chồng), trong thời gian ở chiến trường, Trần Cường đã bị nhiễm chất độc đioxin. Hậu quả là sau hai lần sinh không thành, hai vợ chồng không có ý định sinh con nữa, lợi nhuận trong kinh doanh Cường Thịnh dành cho từ thiện và phát triển sản xuất.
Với Vi (tên cô gái), lần đó cũng là lần về quê để chuẩn bị gia nhập Thanh niên xung phong, cuộc tình ngắn ngủi đó đã làm Vi có mang. Trở về quê mang nặng mối tình với người đàn ông xa lạ, sự mạnh mẽ trên tàu và sự giao hoan bên gốc cây bàng không phải là sự trao tặng của tình yêu, đó chỉ là suy nghĩ bột phát khi ngày mai trong bom rơi đạn lạc không biết sống chết thế nào, có cơ hội phải tận dụng để có cảm giác làm đàn bà. Từ suy nghĩ đó mà Vi sẵn sàng làm một việc không đoan chính. Vi tham gia Thanh niên xung phong vào tháng 6 năm 1972, với nhiệm vụ bảo đảm giao thông vận tải thời chiến kịp thời, thông suốt; tiếp nhận, trung chuyển hàng hoá quân sự phục vụ chiến đấu. Đêm Noel 1972, máy bay B52 của Mỹ rải trúng đơn vị, hầu hết các chiến sĩ hi sinh, trong đó có Vi.
*
* *
Trong dịp khánh thành khu tưởng niệm các chiến sĩ thanh niên xung phong ở khu vực Nhà ga, với một quần thể uy nghi tráng lệ, đường dẫn vào được trải đầy hoa, hai bên đường là hàng vệ binh nghiêm trang trong sắc phục trọng lễ, giữa rừng cờ hoa người ta thấy:
Trên lễ đài là chiếc băng zôn mang dòng chữ: LỄ ĐÓN NHẬN KINH PHÍ XÂY DỰNG KHU TƯỞNG NIỆM CỦA CÔNG TY CƯỜNG THỊNH.
Doanh nhân Trần Cường cùng vợ đi hàng trước, sau là Thẩm phán Hoài Thương cùng cô con gái tay xen tay đi giữa hai hàng vệ binh với sự chào đón ân tình của Nhân dân.