Cam kết của Mỹ với Ukraine ngày càng “mờ mịt”
Quốc tế 18/04/2024 10:20
Theo tờ The Hill (Mỹ), những người ủng hộ Tổng thống Joe Biden và các cựu quan chức Mỹ đang bày tỏ sự thất vọng và bối rối trước các chiến lược về Ukraine của Nhà Trắng, đồng thời nhận thấy sự chia rẽ ngày càng tăng trong chính quyền Mỹ về cách cân bằng chính trị với sự hậu thuẫn lâu dài cho Kiev.
Nhà Trắng gần đây đã phản đối các đề xuất trao cho NATO và các đồng minh phương Tây vai trò lãnh đạo lớn hơn trong tương lai, đặc biệt liên quan đến việc hỗ trợ cho Ukraine, ngay cả khi viện trợ của Mỹ đã bị đình trệ trong nhiều tháng tại Quốc hội. Ivo Daalder, cựu Đại sứ Mỹ tại NATO và chủ tịch Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu, cho biết: “Có sự bất đồng trong chính quyền Mỹ về vấn đề này".
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại cuộc họp báo ở Kiev |
Những tuần tới có thể mang tính quyết định khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson tuyên bố sẽ đưa ra gói viện trợ mới cho Ukraine. Nhưng vẫn chưa rõ gói này sẽ mạnh mẽ đến mức nào, hoặc liệu ông Johnson có thể vượt qua sự phản đối từ nhiều người trong đảng của mình hay không.
Nếu thất bại hoặc không đáp ứng được yêu cầu của Đảng Dân chủ, Tổng thống Biden có thể phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc thành lập một liên minh ít lấy Mỹ làm trung tâm hơn để hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột đang diễn ra với Nga.
Cựu Đại sứ Daalder, cùng với cựu Trợ lí Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu và Á-Âu Karen Donfried, đã đưa ra một bài bình luận trên tạp chí Ngoại giao (Foreign Affairs) đề xuất rằng, NATO "tiếp quản" nhóm Ramstein (Nhóm Liên lạc Quốc phòng về Ukraine) do Mỹ dẫn đầu để điều phối việc vận chuyển vũ khí cho Kiev, cùng với những ý tưởng khác mà NATO hiện đang thảo luận trước hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào tháng 7 năm nay của liên minh. Ông Daalder cũng cho biết, “có những thành phần trong chính quyền Mỹ phản đối mạnh mẽ điều này, chủ yếu là vì họ cho rằng họ điều phối tốt hơn NATO trong việc phối hợp”.
Về phần mình, bà Donfried - người đã nghỉ hưu từ Bộ Ngoại giao Mỹ vào tháng 3/2023 nêu rõ rằng, mục đích trong đề xuất trên là giúp thực hiện chính sách hiện tại của chính quyền và thậm chí tăng cường hơn để đưa ra các hành động cụ thể trước sự không chắc chắn về các cam kết lâu dài của Mỹ.
Tình thế đang trở nên khó khăn đối với Ukraine. Các quan chức quân sự Mỹ đã nói trước Quốc hội rằng, các lực lượng Ukraine đang phải "tiết kiệm" hỏa lực pháo binh trong trường hợp không có thêm sự hỗ trợ của Mỹ, khiến họ càng bị yếu thế nhiều hơn trước các lực lượng Nga.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cuối tuần trước cho biết, các lực lượng Nga đã “gây ra thiệt hại ngày càng gia tăng và lâu dài cho cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine trong mùa Xuân này” và rằng, quân đội Nga đã thành công, một phần là do Ukraine sắp hết tên lửa phòng không do Mỹ cung cấp. “Điều này đáng báo động vì nó cho thấy rằng, nếu Mỹ không nhanh chóng nối lại viện trợ quân sự, quân đội Nga có thể tiếp tục gây tổn thất lớn cho lực lượng và cơ sở hạ tầng của Ukraine ngay cả với số lượng tên lửa hạn chế mà Nga có thể có trong những tháng tới”, ISW đánh giá.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng đang kêu gọi những nước ủng hộ tuân thủ các cam kết. Ông Zelensky nói: “Điều cực kì quan trọng là từng đối tác phải thực hiện lời hứa của mình về việc cung cấp vũ khí và đạn dược, cũng như các thỏa thuận với chúng tôi về hợp tác sản xuất”…