Biết lo xa để tránh họa gần
Trong mắt người già 14/11/2019 09:24
Đó là chuyện “trong bờ”, còn ngoài biển “đường lưỡi bò” đã len vào phim ảnh chiếu trong các rạp, phần mềm ô-tô… Quan ngại hơn, cái “lưỡi bò” gớm ghiếc ấy vào cả giáo trình Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Lạ thay, giáo trình ấy được giảng dạy từ mấy năm trước nhưng không ai biết, mới đây, sinh viên phát hiện báo lại, trường mới… thu hồi sách. Chẳng lẽ lãnh đạo các cấp ở ngôi trường ấy không hề biết “đường lưỡi bò” là sự xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền quốc gia Việt Nam?
Mới nhất, tại Lạng Sơn, một “công trình bí ẩn” của người nước ngoài được xây dựng từ năm 2016 trên ngọn núi ở thôn Rọ Phải (xã Mai Pha, TP Lạng Sơn) nhưng lãnh đạo từ xã trở lên đều… “không biết”. Sau khi báo chí đưa tin, chính quyền mới cho người đi “kiểm tra, rà soát”.
Cuốn giáo trình có in hình "đường lưỡi bò" phi pháp |
Dư luận xã hội thấy buồn, xen lẫn bức xúc khi các quan chức “OK” cho doanh nghiệp vô tư xâm phạm danh lam thắng cảnh. Và người dân cả nước cũng căm phẫn khi nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức không xem, không thấy, không biết “đường lưỡi bò”; “không nhìn thấy” người nước ngoài xây dựng công trình ngay trên đất do mình quản lí?
Ông cha ta từng cảnh báo “Phải biết lo xa để tránh họa gần”. Nhưng thật buồn, có lẽ do mải làm ăn, “mải vui” người Việt hình như đang thờ ơ với an ninh Tổ quốc, phần nào mất cảnh giác, chưa biết lo cho vận mệnh quốc gia. Trong bờ, không ít đại gia Việt rắp tâm “xẻ thịt” danh lam thắng cảnh; ngoài biển khơi, “láng giềng” đang từng ngày “gặm nhấm”, “xâm lược mềm”. Họ “ru” ta bằng khúc ca “cùng khai thác”, “hãy vì đại cục…”, “vì tình hữu nghị”...
Lịch sử dựng nước và giữ nước cho hay, bài học cảnh giác không bao giờ thừa. Ở góc độ nào đó, cảnh giác cũng đồng nghĩa với lo xa. Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt coi trọng vai trò kinh tế tư nhân, mở cửa đón đầu tư nước ngoài, sẵn sàng “làm bạn với tất cả các nước”. Nhưng người dân mong các doanh nhân Việt hãy luôn đặt lợi ích Tổ quốc lên trên lợi ích cá nhân. Dư luận cũng mong lãnh đạo các cấp phải luôn tỉnh táo, nhìn nhận thấu đáo trước khi đặt bút kí vào các dự án, nhất là những nơi có tầm ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, đến “đất thiêng”, đến “núi thiêng”... ông cha ta để lại.
Tạo hóa đã cho đất nước Việt Nam non sông cẩm tú. Nhưng tạo hóa cũng muốn thử thách bản lĩnh người Việt khi phải sống cạnh “người hàng xóm” quá nhiều tham vọng. Người Việt Nam đời nối đời cần tìm cách gìn giữ, tôn cao, phát triển, làm đẹp hơn, vững bền hơn Đất nước. Và điều tối quan trọng, ấy là cần chủ động giữ nước khi nước còn chưa nguy; lấy nguyên tắc bảo vệ lợi ích quốc gia làm mục tiêu tối thượng trước mọi sự chi phối hay sức ép dù từ bất cứ phía nào, của bất cứ ai, vì nền độc lập tự do, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc Việt Nam cho muôn đời con cháu.