Bẫy “chiến tranh bóng tối” của Israel
Quốc tế 08/04/2024 11:29
Theo đài Sputnik (Nga), Tel Aviv đã leo thang đáng kể "cuộc chiến bóng tối" chống lại Iran vào ngày 1/4 , khi không kích tên lửa nhằm vào tòa nhà lãnh sự nằm trong khuôn viên Đại sứ quán Iran tại Damascus, Syria. Ba ngày sau, một nhóm khủng bố liên kết với Al-Qaeda bị nghi ngờ có quan hệ với Mossad (cơ quan tình báo Israel) đã tấn công các đồn cảnh sát ở Đông Nam Iran. Sau những sự việc đó, liệu Iran có thể tránh được một cuộc chiến tranh toàn diện giữa các cường quốc trong khu vực?
Nga và Trung Quốc đã lên án mạnh mẽ vụ tấn công nhằm vào mục tiêu Iran ở Damascus, trong khi Washington nhanh chóng khẳng định rằng họ không liên quan gì đến vụ việc, đổ lỗi trực tiếp cho Israel và kêu gọi Iran không nhắm mục tiêu vào các căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực.
Về phần mình, Israel không xác nhận cũng không phủ nhận vai trò của mình, giống như họ vẫn làm vậy trong "cuộc chiến bóng tối", nhưng đã tiến hành điều động bổ sung quân dự bị, hủy bỏ kì nghỉ phép của binh lính và thông báo về một cuộc họp nội các an ninh.
Hiện trường đổ nát sau vụ tấn công vào tòa nhà lãnh sự Iran ở Damascus, Syria ngày 2/4/2024. |
Vụ phóng tên lửa nhằm vào khuôn viên đại sứ quán Iran được nối tiếp bằng các cuộc tấn công bằng súng của các thành viên nhóm khủng bố Jaish Al-Adl nhằm vào hai đồn cảnh sát ở Rask và Chabahar ở tỉnh Sistan và Baluchestan phía đông nam Iran vào tối 3/4 (theo giờ địa phương). Nhóm khủng bố có liên kết với Al-Qaeda này đã tiến hành một chiến dịch chiến tranh du kích cường độ thấp kéo dài hàng thập kỉ chống lại Iran, bao gồm đánh bom, bắt cóc, giết hại nhân viên an ninh và dân thường.
Tiến sĩ Marco Carnelos, cựu nhà ngoại giao Italy và là cố vấn cho Thủ tướng Italy chuyên về các vấn đề Trung Đông, nói với Sputnik về sự leo thang “rất đáng lo ngại” của “cuộc chiến tranh bóng tối” mà Israel tiến hành nhằm vào Iran.Cụ thể, ông Carnelos đề cập đến ý đồ Thủ tướng Netanyahu là “mở rộng” cuộc xung đột ở Gaza thành một cuộc xung đột trong khu vực, từ đó cho phép ông kéo dài thời gian tại vị và tạo ra “một tình huống nguy hiểm đến mức [nó] có thể đẩy Mỹ cùng tham gia với Israel trong cuộc xung đột chống Iran”. “Thật khó để đoán được giới lãnh đạo Iran có thể đang nghĩ gì vào lúc này”, nhà quan sát trên thừa nhận, đồng thời lưu ý rằng, lời khuyên của ông dành cho Tehran là “cố gắng giảm thiểu căng thẳng và phối hợp không mệt mỏi với các nước láng giềng Arab để cho thấy ai thực sự đang khuấy động căng thẳng trong khu vực”.
Ông Hossein Askari, Giáo sư danh dự tại Trường Kinh doanh GW ở Washington, D.C., cũng có chung đánh giá, nhấn mạnh rằng, ông Netanyahu mong muốn sau sự việc Iran sẽ phản ứng theo kiểu đối xứng. “Israel muốn Iran bắn tên lửa vào các thị trấn của Israel, gây ra cuộc tàn sát lớn. Sau đó, họ có thể thoải mái sử dụng bom phá boong-ke nặng 2.000 pound của Mỹ vào các cơ sở và thành phố hạt nhân của Iran và thuyết phục Mỹ tham gia. Ông Netanyahu muốn gây ra tình trạng hỗn loạn để duy trì quyền lực, tiêu diệt mối đe dọa Iran một lần và mãi mãi”, Giáo sư Askari bình luận.
Theo học giả này, Israel cho rằng hầu hết các nước Arab không gây ra mối đe dọa thực sự nào cho chương trình nghị sự của Tel Aviv. Trong khi đó, Israel lại thực sự lo ngại Iran “vì lịch sử của Tehran và những gì người Iran có thể làm” dẫn đến hành động gây hấn chống lại Tel Aviv.
Theo Giáo sư Askari, Iran có thể trả đũa không trực diện, chẳng hạn như thông qua các cuộc tấn công mạng bên trong Israel hoặc nhắm vào lợi ích của Israel trên khắp thế giới. Họ có thể gây áp lực buộc Iraq phải trục xuất toàn bộ lực lượng Mỹ và đóng cửa các căn cứ ở Iraq. Tehran có thể hỗ trợ những người bất đồng chính kiến Arab tấn công các lợi ích của Israel và Mỹ trên khắp thế giới. Nếu Israel có thể tấn công đại sứ quán Iran, trong khi Mỹ, Pháp và Anh đồng ý với điều đó, thì Iran cũng có thể thoải mái hỗ trợ những người bất đồng chính kiến Arab trả thù cho thảm họa ở Gaza, ông Askari dự đoán.