Bà giáo già khát khao thay đổi tương lai cho những đứa trẻ nghèo
Xã hội 17/08/2020 13:47
Những người thầy đặc biệt
Chuyện một ai đó có tâm gom những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn để dạy học miễn phí cho chúng đã không còn trở nên xa lạ. Nhưng chuyện những thầy cô giáo tối tối lại tự nguyện phóng xe có khi cả chục cây số đến nhà học sinh để dạy học miễn phí cho chúng thì quả là "xưa nay hiếm".
Vậy mà, hoạt động thiện nguyện đặc biệt ấy đã diễn ra được 9 năm ở Bắc Ninh. Người sáng lập và đứng đầu hoạt động này là bà giáo già Nguyễn Thị Thuận, 70 tuổi.
Hỏi lý do vì sao không gom học sinh lại để tiện cho việc dạy học thì bà Thuận chia sẻ: "Có nhiều lý do để tôi không làm việc đó. Thứ nhất, lớp học diễn ra vào buổi tối, nếu để các em đi lại vào thời gian đó thì rất nguy hiểm như: tai nạn giao thông, hoặc các tệ nạn xã hội khác. Hơn nữa nhà các em ở các quận, huyện khác nhau nên rất khó tập trung. Và một điều quan trọng nhất là, khi dạy một lớp có quá nhiều học sinh, các em sẽ khó tiếp thu được đồng đều. Nếu một thầy kèm một trò thì các em sẽ tiến bộ rất nhanh, chỗ nào không hiểu có thể nhờ thầy cô giảng lại thật kỹ mà không ngại".
Với bà giáo Thuận để thay đổi tương lai của những đứa trẻ nghèo thì chỉ có cách trang bị cho chúng những kiến. |
Trước đó, bà giáo già đã từng đi nhiều nơi, làm nhiều việc thiện nguyện trên khắp mọi miền Tổ quốc. Chứng kiến nhiều đứa trẻ bất hạnh, gia cảnh nghèo khó trở nên tự ti, sống thu mình vì không có điều kiện học hành khiến bà luôn bị ám ảnh.
Bà đã nghĩ, nếu chỉ đến và cho chúng thùng mì tôm hoặc vài ba trăm nghìn thì đơn giản quá. Có thể hết mì tôm, hết tiền chúng sẽ lại đói như cũ. Sau nhiều đêm trăn trở, bà Thuận đã nghĩ phải đem tri thức tới cho chúng mới mong thay đổi cuộc đời chúng.
Bước đầu, bà cùng với một số thành viên trong Hội đỡ đầu những người có hoàn cảnh khó khăn ở tỉnh Bắc Ninh đã đi khảo sát khắp các các phường, xã của tỉnh, sau đó tìm ra những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để dạy học cho chúng.
Chương trình dạy học miễn phí cho các em học sinh nghèo là một trong ba hoạt động chính của Hội. Đến nay chương trình dạy học theo mô hình một kèm một đã được mở rộng ra 8 huyện thị, thành phố của tỉnh Bắc Ninh. Hoạt động dạy học này được triển khai chủ yếu ở 3 môn: Toán, Văn, Anh.
Bà giáo già tâm sự: “Để có được những cộng sự nhiệt tình, tận tâm như bây giờ tôi đã phải khá kỳ công. Đối với những gia sư là sinh viên vừa tốt nghiệp, hay các thầy cô đã nghỉ hưu thì không nói làm gì, nhưng đối với những thầy cô giáo hiện còn công tác thì tôi phải tới tận trường của họ để gặp thầy hiệu trưởng, xin cho họ được làm gia sư miễn phí. Bởi bây giờ nhà nước có quy định cấm dạy thêm dưới mọi hình thức, nếu như không báo cáo trước đến một ngày nào đó các thầy cô ấy "bị phát hiện" dạy thêm có khi lại lao đao".
Bà Thuận chia sẻ, có những thầy cô tối tối phải phóng xe máy hàng chục cây số mới tới được nhà học sinh mình nhận dạy kèm. Như những chiến binh dũng cảm, trời nắng cũng như trời mưa họ đều không bỏ nhiệm vụ của mình.
Không chỉ dạy học miễn phí cho các em học sinh nghèo, bà Thuận còn rất tích cực làm từ thiện để giúp đỡ các em vượt qua khó khăn trước mắt. |
"Có người làm việc ở Hà Nội, được hai ngày cuối tuần về quê lại tranh thủ đi dạy. Cũng có em đang là sinh viên năm cuối ở một trường đại học dưới Hà Nội, ngày đi học tối về lại miệt mài gia sư cho các em nhỏ. Nếu không vì tình yêu thương chân thành thì chắc khó có thể làm được việc tử tế ấy" - bà giáo Thuận chia sẻ.
Bản thân bà giáo già cũng đều đặn tuần 2 buổi đạp xe 3, 4 cây số tới nhà của học sinh để kèm các em học thêm.
Nhiều hôm trời mưa gió, các con của bà Thuận ra sức can ngăn mẹ nghỉ ở nhà nhưng bà không chịu. Lúc đó bà lại bảo với các con, làm việc gì cũng phải làm tới nơi tới chốn, nếu cứ vì khách quan mà nản thì chắc có lẽ mẹ đã buông xuôi công việc này từ lâu rồi.
Và những lớp học chan chứa tình yêu thương
Cứ 19 giờ tối thứ 2 hằng tuần, những bệnh nhân trong khu nội trú Bệnh viện phục hồi chức năng tỉnh Bắc Ninh lại thấy bà Thuận có mặt ở đó để dạy học cho học trò Nguyễn Đình Việt.
Việt năm nay đang học lớp 9, gia đình em có hoàn cảnh rất thương tâm, bố bị tai biến đã 4 năm nên mẹ em phải thường xuyên có mặt bên cạnh để tiện việc chăm sóc.
Căn phòng nhỏ cho bệnh nhân giờ biến thành nơi cư trú của gia đình Việt. Chiếc giường của bệnh nhân giờ lại thành góc học tập của em. Gia cảnh khó khăn là vậy nhưng Việt luôn chăm chỉ học tập và đạt được kết quả tốt. Đó cũng là động lực để bà giáo già tiếp tục cố gắng hơn nữa.
Bà giáo già Nguyễn Thị Thuận luôn tâm nguyện sẽ cố gắng làm công việc này cho tới khi nào nhắm mắt xuôi tay. |
Ngoài Việt, bà Thuận còn kèm cho một học sinh khác là Chu Tam Sơn. Bố Sơn ốm yếu không làm gì được, mẹ cũng yếu nhưng phải trở thành lao động chính nuôi cả gia đình. Kèm Sơn từ năm học lớp 8, năm lớp 9 Sơn đỗ vào trường Lý Thái Tổ, một trường điểm của tỉnh Bắc Ninh.
Không chỉ dạy học cho Sơn mà bà giáo Thuận đã cùng với Hội của mình nhận đỡ đầu cho Sơn mỗi tháng 300 nghìn đồng. Hiện Sơn đang học lớp 11 và rất quyết tâm thi đỗ đại học. Bà Thuận nhớ lại: "Tôi đã động viên Sơn rằng, nếu em đỗ được đại học, cô và hội sẽ tăng mức học bổng lên cho em và sẽ theo em tới khi nào tốt nghiệp đại học".
Trong số những học sinh được bà giáo Thuận cùng Hội đỡ đầu có thành tích cao trong học tập phải kể đến em Nguyễn Thị Hương. Bố mẹ Hương đều là những người bị tàn tật nặng, khi Hương đang học lớp 12 thì mẹ em qua đời.
Trước khi mất, mẹ Hương đã gọi em đến bên và dặn rằng: "Con phải nghỉ học để ở nhà kiếm tiền nuôi bố và các em". Biết chuyện, bà giáo Thuận đã động viên Hương rất nhiều. "Tôi bảo với em ấy là con cứ đi học, các cô sẽ đóng học phí cho con. Giờ em đã học hết năm thứ nhất Đại học Thương mại Hà Nội rồi" - bà Thuận chia sẻ.
Tính tới thời điểm này, Hội đã giúp đỡ được hàng trăm em có hoàn cảnh khó khăn. Việc làm thiện nguyện ấy đã giúp các em nhỏ vượt qua được mặc cảm bản thân và tự tin viết nên những trang mới cho cuộc đời mình. Bản thân bà giáo già Nguyễn Thị Thuận thì luôn tâm nguyện sẽ cố gắng làm công việc này cho tới khi nào nhắm mắt xuôi tay.