7 nhóm đối tượng cần lưu ý đi tầm soát ung thư gan
Sức khỏe 11/04/2023 09:39
Hiểu đúng về ung thư gan nguyên phát
Ung thư gan nguyên phát (HCC), thực tế là ung thư tế bào gan nguyên phát phát triển từ tế bào của gan để phân biệt với ung thư gan thứ phát mà ung thư gốc là từ cơ quan khác nhưng di căn đến gan.
Ngoài ra trong ung thư gan nguyên phát còn có thể ung thư đường mật trong gan (intrahepatic cholangiocarcinom - ICC), thực tế khó phân biệt trên lâm sàng giữa HCC và ICC.
Các báo cáo cho thấy HCC chiếm tới 90% thể ung thư gan nguyên phát. Như vậy trên thực tế lâm sàng ung thư gan nguyên phát của tế bào gan được quan tâm vì gặp nhiều.
Tử vong do ung thư gan nguyên phát - HCC đứng thứ 3 trong số các trường hợp tử vong do ung thư toàn cầu với trên 780,000 trường hợp (2018).
Tại Mỹ tử vong do HCC đứng hàng thứ 5 với nam giới và đứng thứ 7 với nữ giới (2019) và số bệnh nhân so với năm 1980 đã tăng gấp 3 lần, xu hướng vẫn tiếp tục tăng đến năm 2030 theo dự báo của các chuyên gia.
Ung thư gan nguyên phát cũng là vấn đề lớn tại Trung Quốc vì chiếm tới quá nửa số trường hợp mắc mới và tử vong toàn cầu là bệnh nhân từ Trung Quốc. Tử vong do HCC tại Trung Quốc chiếm hàng thứ hai trong số các ca tử vong do ung thư tại quốc gia đông dân nhất thế giới này.
Ung thư gan nguyên phát đang là một trong các bệnh ác tính với số ca mắc ở mức cao tại Việt Nam. Theo Globocan 2020 (Cơ quan nghiên cứu Ung thư toàn cầu - Global Cance Observatory), tỉ lệ mắc mới ung thư gan tại Việt Nam là 26.418 ca mỗi năm, chiếm 14,5% tổng số ung thư các loại và 77% số ca ung thư gan là nam giới.
Ung thư gan cũng là “sát thủ hàng đầu” các bệnh ung thư với số ca tử vong dẫn đầu là 25.272 trường hợp, chiếm 21% tổng số tử vong do ung thư các loại, gấp 3,8 lần tổng số ca tử vong vì tai nạn giao thông năm 2020 (6.700 ca - nguồn Ủy ban An toàn giao thông quốc gia).
Vì sao mắc ung thư gan?
Có nhiều yếu tố nguy cơ có thể gây ra ung thư gan, như người bệnh bị viêm gan mãn tính, nhất là viêm gan C; tiếp xúc lâu dài với các chất độc hại như Vinyl Chloride (VC), Benzene….; uống rượu quá nhiều hoặc nghiện thuốc; người bị bệnh tiểu đường, béo phì; người bệnh mắc các bệnh về gan khác như gan nhiễm mỡ, xơ gan, viêm gan A….;
Tại sao phải tầm soát ung thư gan?
Mặc dù có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán phát hiện bệnh sớm, điều trị bao gồm cả hóa chất, nút mạch làm giảm nuôi dưỡng để khối ung thư hạn chế phát triển, dùng sóng cao tần diệt u, truyền hóa chất và làm tắc mạch theo đường động mạch, điều trị bằng vi sóng phẫu thuật gồm có cắt khối u, cắt gan hoặc ghép gan, tuy nhiên tiên lượng điều trị HCC vẫn còn là thách thức với y học hiện nay. Kết quả điều trị HCC phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó quan trọng là kích thước khối u, số lượng và vị trí khối u. Tuy nhiên nếu được phát hiện sớm thì tỷ lệ sống sót của người bệnh mắc HCC sẽ cao hơn qua tầm soát.
Tầm soát ung thư gan có thể được thực hiện bằng các phương pháp như siêu âm gan, xét nghiệm máu để kiểm tra chức năng gan và chỉ số ung thư gan (Alpha-fetoprotein - AFP), chẩn đoán hình ảnh như CT scan (cắt lớp vi tính) hay MRI (cộng hưởng từ) giúp phát hiện được bệnh ở giai đoạn rất sớm, ngay cả khi chưa có triệu chứng.
Bệnh nhân được phát hiện bệnh sớm và điều trị có thể không phải chịu những thương tổn về thể chất hay tâm lí, ít tốn kém hơn về mặt kinh tế. Do đó, việc tầm soát ung thư gan sớm là điều nên làm với những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh.
Ai cần phải tầm soát HCC?
Có 7 nhóm đối tượng sau đây nguy cơ rất cần được sàng lọc sớm các bệnh về gan nói chung, và bệnh ung thư gan nói riêng:
- Những người mắc bệnh về gan: Viêm gan B và C là nguyên nhân chính gây ung thư gan. Những người đã từng bị nhiễm viêm gan B hoặc C có nguy cơ cao hơn bị ung thư gan, do đó cần được tầm soát định kì. Những người mắc các bệnh viêm gan do nguyên nhân tự miễn, có thể đi kèm các bệnh tự miễn khác như đái tháo đường typ 1, Basedow, viêm khớp dạng thấp, Lupus ban đỏ,.... cũng cần điều trị các bệnh tự miễn để tránh biến chứng chuyển sang gan về sau
- Người tiêu thụ nhiều rượu: Uống rượu quá nhiều và thường xuyên có thể gây ra tổn thương gan và làm tăng nguy cơ ung thư gan. Các acetaldehye được sinh ra trong quá trình chuyển hóa rượu có thể làm suy yếu khả năng sửa chữa sai sót tự nhiên DNA của tế bào, gây tăng nguy cơ đột biến tế bào, từ đó khối ung thư sẽ hình thành. Những người uống rượu nhiều, đặc biệt là uống liên tục trong nhiều năm cần được tầm soát ung thư gan thường xuyên.
- Người béo phì, tiểu đường: Đường máu và mỡ máu cao sẽ được tích tụ tại gan, dẫn đến tổn thương thoái hóa các tế bào gan và dẫn tới xơ gan, làm tăng nguy cơ ung thư gan. Do đó, những người béo phì, mắc bệnh tiểu đường cần được tầm soát ung thư gan định kì.
- Người có gia đình có tiền sử ung thư gan: Nếu trong gia đình có người từng mắc ung thư gan, nguy cơ mắc ung thư gan của người khác trong gia đình cũng tăng lên. Những người có tiền sử ung thư gan trong gia đình nên được tầm soát ung thư gan định kì.
- Người thường xuyên tiếp xúc với các chất độc hại: Các chất độc hại như vinyl clorua, thorotrast…. có thể gây ung thư gan. Do đó, những người sử dụng hay tiếp xúc với các chất này trong thời gian dài cần được tầm soát ung thư gan thường xuyên.
- Người ăn thực phẩm nấm mốc, thịt tươi sống nhiễm sán: Việc tiêu thụ thực phẩm nấm mốc và thịt tươi sống nhiễm sán thường xuyên có nguy cơ gây ung thư gan là rất cao. Cụ thể, aflatoxin trong nấm mốc - loại độc tố gây ung thư gan mạnh nhất hiện nay - gây ung thư gan bằng cách gây đột biến ở gen p53. Nấm mốc thường xuất hiện ở những thực phẩm bảo quản, lưu trữ trong môi trường nóng, ẩm như gạo, lạc, đậu tương, lúa mì, ngô… Còn thực phẩm tươi sống không được chế biến kĩ càng (như ăn gỏi) thường chứa nhiều loại sán (sán lá gan lớn, sán lá gan nhỏ…), trong đó có những loại sán khi xâm nhập vào cơ thể sẽ phá hủy gan, gây ung thư gan. Do đó, cần tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh thực phẩm để tránh ăn phải thực phẩm nhiễm độc và có khả năng gây ung thư.
- Người sử dụng chất kích thích: Các chất kích thích như thuốc lá, café nếu sử dụng với hàm lượng nhiều, trong thời gian dài có thể gây nên các bệnh về gan, trong đó có ung thư gan.
Việc khám kiểm tra ung thư gan không quá phức tạp và thường bắt đầu bằng các xét nghiệm đơn giản như chỉ số AFP và siêu âm hình thái gan. Tuy nhiên, nếu cần thiết, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân làm thêm các xét nghiệm khác như máu, chụp CT hay MRI để chẩn đoán xác định, mà không nhất thiết phải chọc kim sinh thiết vào gan mới khẳng định ung thư gan.
Một lối sống lành mạnh, điều độ sẽ có lợi cho sức khỏe, giúp phòng tránh được nhiều bệnh tật, trong đó có HCC.